Lãnh đạo thế giới cam kết thúc đẩy bình đẳng giới

07/10/2015
Ngày 27/9, tại Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - Cam kết Hành động” diễn ra tại New York (Mỹ), nguyên thủ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã thảo luận về những hành động cần thiết để đạt được sự bình đẳng giới vào năm 2030. Báo Phụ nữ Việt Nam xin trích đăng phát biểu của các vị lãnh đạo cao cấp trên thế giới:

 Ảnh minh họa
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon: “Các nhà lãnh đạo thế giới đang nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ ở các lĩnh vực nhưng phía trước vẫn còn một chặng đường dài. Hiện vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục bị phân biệt đối xử, bị bạo hành, bị từ chối cơ hội bình đẳng trong giáo dục, việc làm hay bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo và ra quyết định. Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2030 khi không trao đầy đủ các quyền bình đẳng cho một nửa dân số thế giới. Chúng ta cũng không thể ứng phó hiệu quả với công tác cứu trợ nhân đạo khi không thể đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta hãy hành động ngay lập tức: Cần công nhận các công việc không trả lương, quyền được chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tạo điều kiện để chị em được tham gia bình đẳng trong chính trường, kiến tạo hoà bình.

Chúng ta cần sự hợp sức của toàn xã hội, các tổ chức, khu vực công-tư nhân.... để cùng đưa Chương trình nghị sự 2030 về thúc đẩy bình đẳng giới về phía trước. Để biến điều đó thành hiện thực, các nước cần đưa vấn đề bình đẳng giới thành mục tiêu chiến lược quốc gia đi liền với công tác hoạch định chính sách, tài chính và cơ chế giám sát chặt chẽ”.

 Ảnh minh họa
Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam Trương Tấn Sang: “Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% đại biểu Quốc hội, trên 25% chủ doanh nghiệp. Chỉ số bình đẳng giới ở Việt Nam luôn được Liên hợp quốc (LHQ) xếp hạng cao. Việt Nam luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp luật, thể chế và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng như việc lồng ghép bình đẳng giới vào mọi chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển.

Bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu mà là nội dung xuyên suốt trong 17 mục tiêu SDGs. Việt Nam cam kết sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cần thiết để từ nay đến năm 2030 nhằm thu hẹp khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực; cải thiện hơn nữa sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn; đồng thời từng bước xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam sẽ sát cánh cùng LHQ và cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung nhằm bảo đảm quyền bình đẳng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở tất cả các quốc gia”.

 Ảnh minh họa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Sự tiến bộ của nhân loại chỉ đi song hành với sự tiến bộ của phụ nữ. Lãnh tụ Mao Trạch Đông từng nói: “Phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời” và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn để tăng cường bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ theo đuổi ước mơ và khát vọng của họ trong cả sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Ở nhiều nơi trên thế giới, bất bình đẳng vẫn còn tồn tại và phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh, dịch bệnh, định kiến giới dai dẳng... Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền bình đẳng và sự phát triển của phụ nữ trong nước cũng như trên thế giới. Trung Quốc xin trao tặng 10 triệu USD hỗ trợ Quỹ Phụ nữ LHQ (UNWomen) trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ giúp các nước đang phát triển xây dựng “dự án y tế cho phụ nữ và trẻ em”, “dự án trường học hạnh phúc” giúp trẻ em gái nghèo được đến trường. Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ 30.000 phụ nữ các nước tham gia các chương trình đào tạo...”.

 Ảnh minh họa
Thủ tướng Đức Angela Merkel: Ở những đất nước còn xung đột như Syria, Iraq, Nigeria, Nam Sudan..., phụ nữ và trẻ em bị tước đoạt mọi quyền sống cơ bản. Họ sống trong lo sợ bị bắt làm nô lệ, bị lạm dụng, đối mặt với nghèo đói, thất học. Những tồn tại ấy nhắc nhớ chúng ta cần thi hành nghiêm túc Nghị quyết 1325 (năm 2000) của Hội đồng Bảo an LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Phụ nữ cần phải đóng một vai trò nổi bật hơn trong chính trị và xã hội. Phụ nữ phải tiếng nói trọng lượng hơn trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột, các cuộc đàm phán tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở trên mọi miền thế giới, vì lợi ích của toàn nhân loại.Một quốc gia muốn phát triển và thịnh vượng thì phụ nữ cần phải được trao quyền thực sự”.

Thu Sương, Báo PNVN (dịch)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video