Lao động nữ trẻ di cư đến Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

04/03/2008
Ngày càng nhiều các doanh nghiệp được lập ra trên địa bàn thủ đô và thu hút ngày càng nhiều người lao động, trong đó có rất nhiều lao động nữ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội - cho biết: Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 48 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài thuộc ngành da giày và dệt may; khoảng 7.000 cơ sở sản xuất da giày, dệt may ngoài quốc doanh bao gồm các Cty TNHH, DN tư nhân và các hộ.

Có thể nói, đây là một trong những ngành đang phát triển của Hà Nội thu hút hàng vạn lao động, trong đó lao động nữ chiếm từ 85 - 90%. Đặc biệt, số công nhân từ tỉnh ngoài tạm trú làm việc tại các DN này chiếm tới 55 -  60%. Họ hầu hết đến từ các tỉnh thuộc khu vực Bắc bộ từ Thanh Hóa trở ra, chiếm tỷ lệ cao nhất là các tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Hà Tây, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...và các huyện ngoại thành Hà Nội.

Đây chính là nghịch lý, song làm thế nào để có thể thu hút được lao động đô thị, giảm tốc độ của các "dòng" lao động di cư là câu hỏi đặt ra cho các chủ DN và các bên liên quan nhằm đưa ra những chính sách thích hợp vừa giải quyết việc làm, vừa đảm bảo nâng cao lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Hầu hết các bạn gái trẻ như em đều không thỏa mãn với những điều mong đợi trước khi rời quê ra đây. Lúc này, em mới cảm nhận được rằng, quê nhà mới thực sự là nơi bọn em thấy hạnh phúc và dễ tìm bạn đời hơn…
Nguyễn Thu Hà, quê Thanh Hóa, 25 tuổi, công nhân Cty TNHH Nam Hòa

Đáng chú ý là có tới hơn 20% công nhân lao động có mức thu nhập dưới 700.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, thời gian làm việc bình quân 8 - 10 giờ/ngày, nhiều khi phải chịu áp lực của hợp đồng giao hàng nên số giờ làm thêm của công nhân thường vượt so với quy định, gây suy giảm sức khoẻ cho người lao động. Mỗi tháng, công nhân lao động chỉ được nghỉ hai ngày Chủ nhật.

Thực trạng đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần của người lao động trong các khu nhà trọ đang đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó vấn đề nhà ở cho người lao động di cư là rất cần thiết. Đại bộ phận lao động nhập cư không có điều kiện để mua nhà ở, tiền lương kiếm được chi tiêu tiết kiệm tối đa cho bản thân và một phần rất ít để hỗ trợ gia đình.

Phần lớn các khu nhà trọ được xây dựng tạm bợ, chủ yếu là nhà cấp 4, an ninh trật tự khá phức tạp nên thường xuyên xảy ra các hiện tượng mất trộm đồ dùng cá nhân.

Do đó, đời sống tinh thần của lao động nữ di cư cũng rất nghèo nàn, chỉ bó hẹp trong phòng trọ, không có cơ hội tham gia các họat động vui chơi giải trí để hòa nhập cộng đồng.

Còn về việc làm và thu nhập, Nguyễn Thu Hà, quê Thanh Hóa, 25 tuổi, công nhân Cty TNHH Nam Hòa muốn có công việc ổn định, lâu dài và thu nhập tăng để giúp đỡ gia đình; Cty có điều kiện xây nhà ở cho công nhân thuê trọ để sinh họat được đảm bảo hơn. Bởi thực tế, có được việc làm đã khó, song để gắn bó với doanh nghiệp trong khoảng thời gian dài lại càng khó hơn.

Cùng chung tâm trạng, Đỗ Bích Thảnh, 24 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc cho biết: Gia đình cô thật vất vả mới lo được việc làm tại đây, nhưng sau gần 5 tháng đi làm, công việc thì không có, đồng lương quá ít ỏi, thời gian đầu chỉ được 300 - 500.000 đồng/tháng nên cuộc sống thật khó khăn. Trong khi đó, hàng tháng tiền thuê nhà trọ đã mất tới hơn 100.000 đồng. Nhiều lúc các cô cũng nghĩ đến chuyện đi về hàng ngày cho đỡ tốn kém nhưng nếu làm ca tối với thiếu nữ em thì không được an toàn.

Chính vì chưa hiểu biết và cũng chưa sẵn sàng với điều kiện lao động công nghiệp nên hầu hết trong thời gian đầu Thảnh cũng như bao công nhân khác cảm thấy rất nặng nề và đây cũng chính là thời gian mà lao động hay bỏ việc.

Tuy nhiên, họ không quay trở về quê mà sẽ tìm đến làm việc ở DN khác và từ sự dịch chuyển này làm cho tuổi nghề của lao động nữ di cư trong ngành da giày, dệt may rất ngắn, chỉ từ 2- 4 năm.

Đứng trước thực trạng của vấn đề lao động nữ di cư, Tổ chức ActionAid Việt Nam và các ban, ngành chức năng cho rằng, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước cần có chính sách thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, chú ý đến các dự án có quy mô nhỏ gắn với khu vực nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến và các ngành tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết vịêc làm tại chỗ, hạn chế các dòng lao động nông thôn di cư vào thành phố.

Theo đó, cần đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư giáo dục phổ thông, phát triển phổ cập, dạy nghề đại trà tại khu vực nông thôn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, các DN cần nhận thức rõ việc thực thi nghiêm chỉnh lụât pháp lao động cũng như thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, vì chăm lo đời sống cho người là động là nhân tố quan trọng để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Minh Nghiã - TTXVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video