Lào Cai: Cô giáo nguyện bám bản vì học trò vùng cao

31/12/2019
Không có gì hạnh phúc hơn khi được về quê hương để cống hiến, dựng xây, đó vừa là mong ước, vừa là niềm tự hào của chị Sèn Thị Tiến - giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai).
Cô giáo Sèn Thị Tiến - giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai

Không có ý định rời xa trường Bản Liền

Gắn bó 8 năm ở ngôi trường, chị Tiến cho rằng bản thân mình là một người may mắn và chị khẳng định không có ý định rời xa ngôi trường và thôn bản thân thuộc này.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi trở thành cô giáo Bản Liền, phải đi gần 30 cây số từ nhà ở thị trấn Bắc Hà vào Bản Liền dạy học, chị vẫn còn nhớ như in cảm giác "thất vọng, buồn chán" ngày hôm ấy...

"Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Lào Cai năm 2012, tôi được phân công dạy tại Bản Liền. Thú thực lúc ấy, tôi chỉ muốn mình được phân công dạy một trường ở ngay gần thị trấn. Quãng đường gần 30 cây số băng rừng lội suối khiến tôi có lúc nản lòng lắm nhưng rồi không biết yêu nơi đây từ khi nào. Cho đến bây giờ nếu bảo phải xa Bản Liền, chắc tôi không chịu nổi", chị Tiến tâm sự.

Không quản những ngày nắng mưa, gió rét với khí hậu khắc nghiệt của miền núi, Sèn Thị Tiến gắn bó với học sinh bản địa như người thân

Vậy mà suốt 4 năm, chị đã đi lại trên con đường mòn đến lớp, không quản những ngày nắng mưa, gió rét với khí hậu khắc nghiệt của miền núi. Sự kiên trì của chị lại có thêm động lực khi chị gặp được một người bạn tâm đầu ý hợp mà sau này là chồng chị. Anh là người Yên Bái lên Bắc Hà lập nghiệp với nghề mộc ở ngay gần trường nơi chị dạy. Sau khi nên duyên, chị ở luôn Bản Liền cùng anh xây dựng gia đình, vun đắp hạnh phúc. Vào ngày nghỉ anh chị lại cùng nhau về thị trấn Bắc Hà thăm gia đình.

Những "bông hoa rừng" níu giữ

Bên cạnh tình cảm gia đình, chị còn có tình cảm của học trò, đồng nghiệp. Chị Tiến xúc động cho biết, học sinh của chị chủ yếu là người dân tộc Tày, các em rất thân thiện và ngoan ngoãn, lại vô cùng hiếu học, yêu quý thầy cô. Đó cũng là động lực để chị tiếp tục gắn bó với bản.

Cô giáo Tiến và học sinh

"Ngày 20/10 hay 20/11 học sinh không tặng hoa hồng như ngoài thị trấn mà tặng những bông hoa rừng rất xinh xắn. Nhiều học sinh nhà trồng rau cải mà có hoa cải là các em mang đến tặng cô giáo. Một lớp tôi chủ nhiệm có 27 học sinh, buổi trưa nếu học sinh nào ở gần trường thì về, em nào nhà xa thì ở bán trú đến cuối tuần mới về. Vì biết tôi cũng là người Nùng nên các em cũng rất có thiện cảm, nhiều em còn bảo nhau cố gắng học hành để sau này trở thành cô giáo như cô Tiến. Trở thành tấm gương để các em phấn đấu là điều tôi vô cùng hạnh phúc", chị Tiến chia sẻ.

Chị cho biết, gia đình chị cũng đồng ý khi chị lựa chọn ở lại Bản Liền dù sau nhiều năm cống hiến, chị cũng có cơ hội được ra thị trấn dạy học. Cũng may mắn cho chị và những giáo viên ở đây là các cô không phải đi kêu gọi học sinh đến lớp như ở một số nơi khác. Hầu hết các em đều hiểu bản thân mình may mắn khi được học ở đây.

Dù khó khăn đến mấy chị cũng vẫn chọn Bản Liền là nơi để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đó là được mang kiến thức của mình đào tạo những mần xanh cho quê hương

"Khi mới vào thì kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ chưa có, lúc nào có khó khăn đồng nghiệp đi trước luôn luôn chia sẻ, bữa ăn hàng ngày, ốm đau đều được đồng nghiệp chăm sóc. Do xa gia đình nên hầu hết mọi người đều gắn bó với nhau như người một nhà. Bây giờ khác trước, đường giao thông thuận tiện nên cuối tuần các cô giáo đều về gia đình, nhưng tình cảm vẫn rất gắn bó", chị Tiến cho biết.

Tám năm dạy ở trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bản Liền, chứng kiến không biết bao nhiêu đồng nghiệp người đến, người đi, chứng kiến bao nhiêu thay đổi của bản làng, từ ngôi trường đến con người quanh đây, nhưng chưa lần nào chị Tiến cảm thấy không còn muốn bám trường, bám bản. Bởi không chỉ vì nhiệm vụ phải dạy dỗ các em học sinh người dân tộc, mà còn vì chị Tiến có tình yêu sâu nặng với trẻ, những mầm non của núi rừng luôn cần có bàn tay vun đắp của những người giáo viên yêu nghề.

Để có kiến thức dạy các em phong phú hơn, đổi mới hơn, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị luôn tích cực tham gia những cuộc thi do Phòng GD-ĐT huyện tổ chức, tham gia mọi chương trình tập huấn giáo dục phổ thông để nâng cao kiến thức, đồng hành cùng các em học sinh tham gia cuộc thi học sinh giỏi các cấp để các em có thêm động lực học tập và vươn xa.

Chị khẳng định rằng, dù khó khăn đến mấy chị cũng vẫn chọn Bản Liền là nơi để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đó là được mang kiến thức của mình đào tạo những mần xanh cho quê hương.

 

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video