Lào Cai: Người phụ nữ dân tộc thiểu số tâm huyết với công tác tuyên truyền

09/09/2019
Nhiều năm qua, chị cần mẫn băng rừng lội suối đến từng nhà dân ở thôn Văn Hồ, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) để vận động bà con từ bỏ nơi hiểm nguy, đến ở vùng an toàn. Chị là Chảo Kiếu Mẩy, dân tộc Dao đỏ, Bí thư Chi bộ thôn Văn Hồ.

Bát Xát – Lào Cai là một vùng quanh năm lũ quét, cướp đi nhiều sinh mạng, gây nên những mất mát đau thương cho những người dân vùng núi. Nhưng người dân nơi đây vốn quen bám rừng nên vẫn cứ sống quanh vùng lũ, mặc cho những hiểm nguy rình rập.

Nhiều năm qua, một người phụ nữ vẫn cần mẫn băng rừng lội suối đến từng nhà dân ở thôn Văn Hồ, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát – Lào Cai) để vận động bà con từ bỏ nơi hiểm nguy, tái định cư ở vùng an toàn. Đó là chị Chảo Kiếu Mẩy, Bí thư Chi bộ thôn Văn Hồ.

“Có con dâu rồi mới đi học cái chữ”

Chị Chảo Kiếu Mẩy (sinh năm 1966) trong một gia đình người Dao đỏ nghèo ở xã Phìn Ngan. Do thôn, bản xa trường học, lại thêm kinh tế khó khăn cho nên chị không được đi học chữ.

Vào những năm 70, ở vùng núi heo hút này chỉ có vài người học hết được bậc tiểu học. Biết đọc, biết viết là một niềm hạnh phúc và mơ ước đối với người con gái Dao nơi núi rừng. Cũng như nhiều cô gái Dao khác, chị Mẩy đến 18 tuổi đã lấy chồng. Trong mấy năm liền, chị Mẩy sinh 5 người con, cuộc sống gắn với cái nương, cái rẫy và sự khắc nghiệt của núi rừng. Đến khi con cái đều lớn, có thể tự lo liệu cho bản thân, lại được con dâu động viên, chị Mẩy quyết định đi học văn hóa, học lấy cái chữ, khi ấy chị đã 32 tuổi. Vất vả, ngại ngùng rồi cũng qua, sau đó, được xã tạo điều kiện và động viên, chị theo học lớp sơ cấp chính trị tại trường Trung cấp Chính trị huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai.

“Bản thân mình thích đi học nên muốn xóa mù chữ, các con đều ủng hộ, động viên. Chúng bảo, “con cái chăm gia đình rồi, mẹ có thể đi học””, chị Mẩy tự hào tâm sự

Chị đã trải qua nhiều công việc, ở vị trí nào chị cũng dốc hết tâm sức vì đồng bào vùng núi quê hương. Khó có thể kể hết những công việc mà chị đã trải qua, ở vị trí nào chị cũng dốc hết tâm sức vì đồng bào vùng núi quê hương. Chị được kết nạp Đảng vào năm 2001. Chị từng là Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan. Từ năm 2012-2019, chị được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ thôn Sùng Hoảng. Rồi thôn Sùng Hoảng sát nhập, gọi là thôn Văn Hồ và chị vẫn được bầu là Bí thư Chi bộ thôn mới. Chị là phụ nữ dân tộc Dao đỏ có tuổi Đảng cao nhất xã Phìn Ngan hiện nay

Kinh tế ở Phìn Ngan vốn rất khó khăn, lại quanh năm đối mặt với những trận lũ quét, chị Mẩy ngày đêm suy tính làm thế nào để chính bản thân mình có thể vượt qua những khó khăn kinh tế, sau đó là giúp người dân thoát nghèo.

Năm 2003, chị Mẩy đã thử nghiệm trồng cây sa nhân tím bởi biết loại cây này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. “Trước đây, được nghe một vài người bạn ở các xã khác nói chuyện về cây sa nhân tím dễ trồng, mang lại hiệu quả cao. Mình bàn với chồng mua sa nhân tím về trồng. Sau một thời gian, cây tỏ rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa”, chị Mẩy cho biết.

Chị Mẩy đã động viên gia đình mở rộng diện tích loại cây trồng này, đồng thời cung cấp giống cây cho những hộ khó khăn, tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng sa nhân tím. Mỗi gia đình trong thôn trồng cây sa nhân tím cho thu nhập khoảng gần 20 triệu đồng một năm. Nhờ trồng cây sa nhân tím, nhiều gia đình trong thôn đã giảm nghèo và thoát nghèo. Sau hơn 10 năm, gia đình chị đã phát triển được trên 3ha sa nhân tím, thu nhập khoảng 80 triệu đồng một năm.

Vận động bà con rời vùng lũ

Sủng Hoảng không những là thôn xa, khó khăn nhất của xã nghèo Phìn Ngan, nơi đây còn chịu nhiều thiệt hại bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cơn lũ lịch sử các năm 2004, 2008 và năm 2016. Mặc dù chính quyền đã bố trí khu ở tái định cư cách xa vùng lũ nhưng nhiều hộ dân không nỡ rời bỏ ruộng nương, hoa màu, chuồng gia súc để ra đi. 

 Ảnh minh họa

 Chị Mẩy nhiều lần vận động và tuyên truyền, giúp bà con rời vùng lũ, làm công tác kế hoạch dân số


Xác định tính mạng con người là trên hết, chị Chảo Kiếu Mẩy đã tích cực tuyên truyền người dân chuyển về nơi ở mới. Để làm yên lòng người dân, chính gia đình chị Mẩy là những người đầu tiên di cư.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ vì người dân Phìn Ngan, năm 2017, chị Mẩy còn được tin tưởng, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Sủng Hoảng. Mặc dù vất vả, bận rộn, vừa lo việc đồng ruộng, việc nhà, chăm sóc gia đình nhưng chị Mẩy luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của một Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Không chỉ giúp người dân làm kinh tế, tái định cư, chị Mẩy còn động viên các chị em trong xã sinh đẻ có kế hoạch. Làm công tác dân số tại thôn Sủng Hoảng, chị Kiếu Mẩy đã tuyên truyền và làm giảm được 100% tỉ lệ sinh con thứ 3 của thôn. Trong thời gian làm Bí thư Chi bộ, chị Mẩy cũng hòa giải nhiều vụ tranh chấp đất đai để người dân yên tâm lao động sản xuất. Ngoài ra, chị cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hợp lý, không vứt vỏ chai thuốc bừa bãi, tránh ô nhiễm môi trường.

Hơn 10 năm nay, thôn Sùng Hoảng không có hộ nào sinh con thứ ba, không có cặp đôi nào tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Đó là minh chứng cho cuộc sống ngày càng phát triển, nhận thức của người dân được nâng cao và đặc biệt là sự tận tụy, hết lòng vì thôn của Bí thư Chi bộ Chảo Kiếu Mẩy.

Cho đến nay, Bí thư Chi bộ Chảo Kiếu Mẩy là phụ nữ dân tộc Dao đỏ có tuổi đảng cao nhất xã Phìn Ngan. Với sự nỗ lực không ngừng, trong 20 năm công tác xã hội, chị được nhận nhiều Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 03, trong phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc vùng thiểu số, cùng nhiều giấy khen khác. Đặc biệt là 5 bằng khen cho cán bộ phụ nữ xuất sắc. Gần đây nhất là bằng khen của tỉnh Lào Cai năm 2019. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của chị cho thôn bản, quê hương.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video