Lên tiếng vì một môi trường không khói thuốc

31/05/2015
Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng nặng nề cho chính bản thân người hút mà cả với những đối tượng hút thụ động. Lên tiếng để bảo vệ môi trường sống không khói thuốc là điều cần cả xã hội đồng lòng.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới thuốc lá và có khoảng 600.000 người chết do hút thuốc lá thụ động.

Con số về số ca tử vong do khói thuốc đang là hồi chuông cảnh báo đối với những người hút thuốc lá. Không chỉ những người hút thuốc bị ảnh hưởng bởi những chất độc hại do thuốc lá gây ra, mà những người xung quanh cũng phải chịu tác động hết sức nặng nề.

Tính riêng tại Việt Nam, hàng năm có tới 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan tới khói thuốc. Nhân ngày Thế giới phòng chống thuốc lá (31/5), Bộ Y tế nước ta đã kêu gọi thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, với việc cấm hút thuốc tại các nơi công cộng. Xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành không khói thuốc. Luật phòng chống thuốc lá tại Việt Nam đã có hiệu lực từ 1/5.

‘ Hãy lên tiếng vì thuốc lá rất có hại đối với tất cả mọi người (Ảnh minh họa)
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều hơn người hút trực tiếp. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, mỗi người cần phải có những hành động kiên quyết để góp phần giảm thiểu tình trạng hút thuốc.
Nhiều người im lặng làm ngơ, dù ít nhiều họ biết khói thuốc có hại cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng thỏa hiệp với hành động này. Nhiều người, với cách của riêng mình, đã bày tỏ sự phản đối với người hút thuốc lá.
Chị Lê Thị Thu Sương, Quận 7, TP.HCM chia sẻ: “Tôi đã thử dùng lời nói để yêu cầu người hút thuốc không sử dụng thuốc nơi công cộng nữa. Tuy nhiên, những người hút thuốc lại thể hiện thái độ khó chịu đối với tôi”.
Bà Đặng Thị Thanh, Quận 1, TP.HCM cho hay: “Thấy người nào hút thuốc tôi cũng đã nhắc nhở họ, nói với là không nên hút nhiều. nếu có thể không hút thì càng tốt.
Chị Nguyễn Thị Sen, Quận 6, TP.HCM nói: “Nếu thấy người khác hút thuốc tôi chỉ tránh xa chỗ người hút thuốc hoặc tôi đi ra chỗ khác. Tôi không có phản ứng đối với người đó”.
Việc phản đối người khác hút thuốc không chỉ là hành vi tự phát, vì cá nhân của từng người. Trên thực tế, quyền được sống trong một môi trường không khói thuốc đã được pháp luật quy định trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5 vừa qua.
Thể hiện thái độ với người hút thuốc không chỉ vì sức khỏe của người khác mà thực tế là bảo vệ sức khỏe của chính mình. Thực tế, những thái độ không đồng tình của mọi người với việc hút thuốc lá đã ít nhiều phát huy tác dụng.
Bà Đặng Thị Thanh, Quận 1, TP.HCM cho biết: “Lúc tôi nhắc nhở, cũng đã có những người cho biết họ cũng muốn bỏ nhưng bỏ ngay thì rất khó, nên cần phải từ từ”.
Chị Trương Thị Kim Duyên, Quận 9, TP.HCM cho biết: “Cũng có nhiều người muốn bỏ thuốc, có người khi được nhắc nhở đã tắt thuốc ngay hay có người lại đi chỗ khác”.
Một lần im lặng trước hành động hút thuốc là một lần tạo điều kiện cho khoảng 7.000 chất độc tàn phá sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, để loại bỏ thuốc lá ra khỏi cộng đồng, không chỉ cần ý thức của chính những người hút thuốc mà còn là trách nhiệm lên tiếng của mỗi người để bảo vệ chính mình và toàn xã hội.

Theo http://vtv.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video