Lịch sử vẻ vang của Đảng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam

04/02/2015
Đảng và Bác Hồ đã dành cho phụ nữ những chữ vàng truyền thống “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với tất cả niềm tự hào, tin yêu, kính trọng và biết ơn các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Thiên tài tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã trải qua lịch sử 85 năm chiến đấu và trưởng thành.

Năm 1930, khi sáng lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, đã 40 tuổi. 1 thập kỷ trước đó, năm 1920, khi mới 30 tuổi, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ta không quên một sự kiện lịch sử, năm 1848, cũng ở tuổi 30, Mác đã cùng Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Trong Tuyên ngôn vang lên lời hiệu triệu: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!. Lênin đã phát triển tư tưởng của Mác – Ăngghen bằng cách mở rộng liên hiệp giai cấp ấy, gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc thuộc địa “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Là nhà tư tưởng mác – xít sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX, khẩu hiệu hành động trong Tuyên ngôn được Nguyễn Ái Quốc phát triển với sự khoáng đạt của tư duy khoa học và tư tưởng cách mạng đầy bản lĩnh: “Tất cả mọi người lao động đoàn kết lại”. Trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của Người, “đoàn kết, đại đoàn kết” luôn luôn là điểm nhấn nổi bật, nổi trội nhất trong đường lối Cách mạng ở tầm chiến lược.

“Đường cách mệnh” là tác phẩm lý luận, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào nước ta, đặt nền móng tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cách mạng, lại cũng Nguyễn Ái Quốc là tác giả. Trong tác phẩm này, với một sự mẫn cảm đặc biệt, với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng còn chưa ra đời mà Nguyễn Ái Quốc đã trù tính, tiên liệu rằng, Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải giữ chủ nghĩa cho vững, lại phải ít lòng tham muốn về vật chất, phải noi gương cách mệnh Nga do Lênin lãnh đạo, phải làm cách mệnh cho đến nơi, tức là triệt để.

Vậy là chính trị gắn liền với lý luận cách mạng và đạo đức cách mạng. Là lãnh tụ sáng lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra tính đặc thù độc đáo trong quy luật thành lập Đảng. Đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân (tính phổ biến), với phong trào yêu nước của dân tộc (tính đặc thù). Cho nên, từ trong bản chất của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó máu thịt với nhân dân, với dân tộc. Đó là cội nguồn sức sống và sức mạnh của Đảng.

Cũng chính Nguyễn Ái Quốc và Đảng đã nhìn thấu suốt con đường phát triển của Cách mạng nước ta: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử 85 năm vẻ vang của Đảng cho ta niềm tự hào chân chính về Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác hồ vĩ đại.

Đảng ta - Đảng chân chính cách mạng, là đạo đức, là văn minh. Những bước ngoặt vĩ đại, những kỳ tích lịch sử.

Khi viết tác phẩm “Đường cách mệnh” vào năm 1927, tác phẩm này giờ đây đã được xếp vào hàng Quốc bảo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: Cách mạng, trước hết cần có Đảng và Đảng trước hết cần có chủ nghĩa. Đảng không có chủ nghĩa như người không có trí khôn. Chủ nghĩa mà Đảng ta theo đuổi chính là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác – Lênin, kết tinh những tinh hoa trí tuệ, tư tưởng của thời đại, tinh hoa văn hoá của nhân loại. Nhờ có lý luận tiên phong dẫn đường mà Đảng đã làm tròn được sứ mệnh tiên phong. 20 năm sau, vào năm 1947, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh xác định 12 điều cần thiết để xây dựng Đảng ta thành một Đảng chân chính cách mạng. Kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, năm 1960, Người khẳng định, Đảng ta là con nòi của giai cấp công nhân, Đảng ta thật vĩ đại. Người còn nói, Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đảng cộng sản Việt Nam qua chặng đường vẻ vang 85 năm, nhìn lại, nổi bật những bước ngoặt vĩ đại, những kỳ tích lịch sử sau đây:

Thứ nhất, Đảng ta ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, mở ra thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, nâng chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta tới tầm cao tư tưởng mới, gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân trong thời đại mới.

Sự ra đời của Đảng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cũng tức là cuộc khủng hoảng ý thức hệ, khủng hoảng về lý luận, về con đường và phương pháp đấu tranh để giải phóng dân tộc.

Thứ hai, Đảng trải qua các thời kỳ, các cao trào cách mạng đầy thử thách, hy sinh để lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc, lập nên chế độ dân chủ cộng hoà. Cuộc cách mạng Tháng Tám là một trong bốn cuộc cách mạng điển hình của thế kỷ XX (cách mạng Tháng Mười Nga, 1917; cách mạng Tháng Tám, 1945; cách mạng Trung Quốc, 1949 và cách mạng Cu Ba những năm 1960).

Thứ ba, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây đắp nền móng của chế độ mới trong những ngày đầu của chính thể mới, tiến hành sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, làm nên Điện Biên Phủ ở Việt Bắc, chấn động địa cầu (1946-1954).

Thứ 4,Đảng lãnh đạo toàn dân tộc đồng thời làm cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chân lý lớn nhất của lịch sử “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1954-1975), đưa cả nước quá độ tới chủ nghĩa xã hội (1976 tới nay).

Thứ năm, Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, lãnh đạo toàn dân thực hiện đổi mới vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trong vòng 30 năm qua (1986 đến nay), giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Phụ nữ Việt Nam anh hùng - bất khuất – trung hậu - đảm đang trong hành trình lịch sử dân tộc do Đảng lãnh đạo

Phụ nữ chiếm một nửa dân số của nước ta. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, oanh liệt, góp phần to lớn rất đỗi tự hào vào truyền thống của cách mạng, của Đảng sau này.

Trong buổi đầu dựng nước, trước mọi thế lực ngoại xâm hung bạo đến cướp nước ta, ngay từ đầu, phụ nữ Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc giữ Nhà, giữ Làng, giữ Nước; thà chết không chịu sống quỳ, thà chết vinh con hơn sống nhục. Khí tiết và phẩm giá ấy kết tinh ở lòng yêu nước, lòng dũng cảm và đức hy sinh vì nghĩa lớn. Giá trị cao quý và trường tồn ấy của dân tộc Việt Nam hình thành và toả sáng có phần đóng góp xuất sắc của các thế hệ phụ nữ nước ta. Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa trả thù nhà, đền nợ nước; Triệu Thị Trinh khí phách hiên ngang lẫm liệt đã để lại những dấu son nổi bật về chí khí và phẩm hạnh phụ nữ của một dân tộc anh hùng.

Trong gần 1 thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, nước mất nhà tan, nhân dân đắm chìm trong tình cảnh nô lệ, cuộc sống và thân phận phụ nữ càng đau khổ, tủi nhục hơn ai hết. Những luật lệ, lễ giáo phong kiến hà khắc lại là những xiềng xích hữu hình và vô hình giam hãm phụ nữ trong những bất công, bất bình đẳng giới mà cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời giải phóng chị em phụ nữ đã phá tan những xiềng xích đó. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, phụ nữ đã hăng hái tham gia cách mạng, cứu nước, cứu nhà để tự cứu mình. Trong lịch sử Cách mạng và lịch sử Đảng, những tấm gương hy sinh, một lòng một dạ vì Nước, vì Dân, vì Đảng qua mọi thời kỳ như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, 10 nữ liệt sĩ anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại thời chống Mỹ, anh hùng Út Tịch, những Tạ Thị Kiều, Trần Thị Lý, Mẹ Suốt anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ… cho đến Đặng Thuỳ Trâm ở chiến trường miền Nam và những tấm gương tiêu biểu cho truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Cao quý hơn nữa là những anh hùng vô danh, vạn vạn người không sao kể hết đã hy sinh trong thầm lặng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Huyền thoại Mẹ Việt Nam đã nói lên tất cả, đã ngàn đời tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tôn vinh để chúng ta ghi nhớ suốt đời công lao của Mẹ - những bà mẹ dâng hiến những đứa con mang nặng đẻ đau, những giọt máu thiêng liêng của mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng, “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đảng và Bác Hồ đã dành cho phụ nữ những chữ vàng truyền thống “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với tất cả niềm tự hào, tin yêu, kính trọng và biết ơn các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, phụ nữ Việt Nam đã phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm giá của mình, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những bước trưởng thành và tiến bộ của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc không chỉ là niềm tự hào của phụ nữ, của dân tộc ta mà còn là sự ngưỡng mộ của đông đảo bạn bè quốc tế. Rất nhiều chị em đã đảm nhiệm các trọng trách, có mặt trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhiều chị là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố. Phụ nữ công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân đã đóng góp tài năng, sáng tạo của mình, góp phần làm nên một hình ảnh Việt Nam như ngày nay. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ, bình đẳng giới, vì tiến bộ và phát triển của phụ nữ theo Di chúc của Bác Hồ đã đạt được những thành tựu to lớn. Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đã viết nên trang sử hào hùng trong quá khứ, nhất định sẽ còn đóng góp xứng đáng trong hiện tại và tương lai, làm rạng rỡ nét đẹp về tài trí, tâm hồn, phẩm giá nhân cáh phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

GS.TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận TW)
Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video