Liêm Thuận vào mùa sắn

07/01/2006
Theo tỉnh lộ 640 về thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận (Tuy Phước), chúng tôi bắt gặp hai bên đường các hàng sắn (sắn nước) được bày bán kéo dài. Năm nay, Liêm Thuận được mùa sắn và niềm vui còn nhân đôi khi giá sắn năm nay cao gần gấp đôi năm ngoái.

* Đất chịu sắn

Theo ông Nguyễn Hà Phương, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thuận, hiện nay diện tích trồng sắn tập trung ở Liêm Thuận là khoảng 6 ha, nằm dọc theo núi Kỳ Sơn. Trước năm 1980, diện tích đất này phải bỏ hoang vì không sản xuất được gì, kể cả cỏ cũng không mọc được.

Nhưng qua thời gian cải tạo, vùng đất hoang này đã dần bén duyên với cây sắn và đến nay, người dân ở đây có quyền tự hào rằng sắn Liêm Thuận ngon hơn bất cứ loại sắn nào ở những vùng đất khác. Bởi sắn Liêm Thuận to vừa, vỏ mỏng, không có sơ và rất ngọt.

Chị Phan Thị Hoa, chuyên buôn bán các loại hoa quả tại chợ Cây Da (Tuy Phước) cho biết: "Đến mùa sắn là tôi hay đi mua sắn các nơi như Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Quy Nhơn về để bán, nhưng sắn các nơi ấy không ngon bằng sắn ở Liêm Thuận. Sắn Liêm Thuận bán chạy nhất."

Còn chị Lê Thị Gái, ở xã Phước Thuận, đang ngồi bán sắn dọc theo tuyến tỉnh lộ 640, cho hay: "Vào mùa sắn, tranh thủ lúc nhàn rỗi tôi vào mua sắn ở Liêm Thuận đem ra lề đường ngồi bán. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được 60-70 ngàn đồng tiền lời".

* Mùa phụ cho thu nhập chính

Cứ bắt đầu vào mùa mưa là người dân Liêm Thuận ra rẫy làm đất để trồng sắn. Sau hơn 3 tháng thì cho thu hoạch. Hiện nay, giá sắn Liêm Thuận bán tại các chợ ở mức 1.500 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với mùa sắn năm trước.

Ở Liêm Thuận, sản xuất chính vẫn là cây lúa nhưng do vùng đất này cứ mùa nắng là bị hạn nặng, mùa mưa thì bị ngập lụt nên cây lúa thường xuyên bị mất mùa. Còn nghề trồng sắn chỉ là phụ nhưng lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, gần như là thu nhập chính của người dân nơi đây.

Thôn Liêm Thuận hiện có hơn 120 hộ dân, trong đó có 50 hộ trồng sắn. Sau mỗi mùa sắn, trung bình mỗi hộ trồng sắn thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng.

Ông Ngô Sĩ Bửu, có gần 4 sào sắn đang thu hoạch, cho biết: "So với năm trước, mùa sắn năm nay có muộn hơn nhưng giá lại cao hơn nhiều. Nếu thu hoạch xong trừ chi phí tôi cũng lãi được gần 3 triệu đồng".

Theo chân anh Trương Cao Vinh lên rẫy, chúng tôi thấy các rẫy sắn nối tiếp nhau tạo thành một màu xanh bạt ngàn chạy dọc theo chân núi Kỳ Sơn. Thật khó mà hình dung vài năm trước, nơi đây chỉ là đồi núi trọc. Theo anh Vinh, với 6 sào sắn, mỗi năm anh thu nhập từ 6-7 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được 4-5 triệu đồng.

Rời Liêm Thuận, khi những người buôn sắn vẫn còn đang í ới ngã giá để mua sỉ từng đám sắn, chúng tôi thấy vui lây với người trồng sắn Liêm Thuận. Vụ sắn này đã giúp thêm một khoản thu nhập đáng kể cho họ khi những ngày cuối năm đang cận kề.

Nguyễn Phúc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video