Lời căn dặn ân cần

29/09/2016
Trong thời gian công tác và hoạt động Hội, tôi rất vinh dự khi được tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ Quân đội lần thứ IV (tháng 12/2006) tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Dịp ấy đã để lại trong tôi một kỉ niệm sâu sắc.

Tôi vẫn nhớ như in, đó là lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Giờ giải lao, các đại biểu tập trung ở tiền sảnh hội trường tham quan gian trưng bày sản phẩm. Khi nghe tiếng chào hỏi râm ran, tôi quay lại nhìn thấy đồng chí Phó Chủ tịch vừa bước ra. Khi biết chúng tôi là đại biểu của trường Sĩ quan Lục quân 2 ở miền Nam ra, chị đã động viên rất nhiều. Thoảng chút trầm tư, chị căn dặn: “Trong phụ nữ, một phần không nhỏ có tâm lý tự ti, e ngại nên là cán bộ Hội cần phải biết đặt mình vào vị trí của chị em, biết cách giúp họ thoát ra khi tâm lý đó. Có như vậy mới tạo động lực để phong trào Hội hoạt động hiệu quả”. Lời chị căn dặn rất chân tình mà sao trong tôi như một lời thôi thúc, tôi tự nhìn lại mình và thấy bản thân cần có sự thay đổi.

Là những sinh viên tốt nghiệp đại học từ các trường ngoài quân đội, khi vào công tác tại Trường, chúng tôi gặp nhiều trở ngại, nhất là sự thiếu hụt kiến thức quân sự-quốc phòng. Hầu hết chúng tôi đều chưa mạnh dạn, chủ động để bổ sung kiến thức. Nhớ lời căn dặn ấy, tôi nhận ra rằng, yêu cầu nhiệm vụ giáo dục-đào tạo của Nhà trường ngày càng cao, mình là cán bộ Hội khối khoa giáo viên, nếu mình không tiên phong trong nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ thì làm sao có sự thuyết phục để chị em tham gia. Và tôi đã quyết tâm gác lại những trăn trở, lo toan về gia đình để tham gia khóa đào tạo thạc sĩ. Từ điểm xuất phát đó, tôi và các đồng nghiệp đã quyết tâm vững bước bên cạnh những đồng chí, đồng đội trên con đường chinh phục tri thức.

Thấm thoát đã 10 năm, đến nay, tỷ lệ hội viên là giảng viên có trình độ sau đại học trong toàn Trường đạt gần 40%. Giai đoạn 2011-2016, có 4 giảng viên đạt danh hiệu “Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng”; gần 100 lượt hội viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” cấp Khoa, cấp Trường. Đội ngũ nữ giảng viên không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn tích cực nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn 2011-2016, các chị chủ biên và tham gia 5 đề tài cấp bộ, cấp ngành; biên soạn 40 đề tài, tài liệu cấp Trường và hàng trăm tài liệu cấp Khoa. Các chị cũng là những cây bút sắc bén trong công tác tuyên giáo. Vẫn biết rằng để có được kết quả đó, mỗi chị em đã có sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của mình đối với nhiệm vụ, nỗ lực vươn lên…Tôi vẫn nhớ thời gian đầu, khi nhận nhiệm vụ đi đào tạo sau đại học, nhiều chị rất khó khăn, có chị cả hai vợ chồng cùng đi học trong khi bản thân đang mang bầu; có chị vừa đi học, vừa một tay chăm lo gia đình khi chồng công tác xa nhà, kinh tế eo hẹp…Và điều mà chúng tôi rất tự hào là, phong trào tích cực học tập nâng cao trình độ có sức lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn hầu hết hội viên trong Nhà trường. Đội ngũ viên chức, lao động ở các cơ quan, đơn vị cũng thi đua học tập, nâng cao trình độ thông qua các chương trình đào tạo liên thông, tại chức, bồi dưỡng tay nghề…

Từ thực tiễn đó, tôi nhận thấy rằng, việc phát huy động lực tự thân của mỗi người luôn cần sự đồng lòng, chia sẻ của cán bộ Hội các cấp. Trong tôi luôn vang lên lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm. Dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ phương Đông”.

Theo Đỗ Thị Quỳnh Anh, Khoa Lý luận Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Lục quân 2, 3Cb-37, Tam Phước-Đồng Nai 

Nguồn: Báo phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video