Lồng ghép giới trong luật để bảo đảm bình đẳng giới thực chất

20/05/2015
Nhằm có cơ sở làm công văn góp ý tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII khi họp bàn để thông qua hai dự thảo luật Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chiều 18/5, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề lồng ghép giới trong hai dự thảo luật này.

Đối với dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đa số các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí cho rằng, cần phải quy định cụ thể về tỷ lệ nữ ứng cử thay vì sử dụng những cụm từ chung chung như “đảm bảo số lượng thích đáng người ứng cử là phụ nữ”, nên quy định từ 45- 50% tỷ lệ ứng cử viên cho mỗi giới để có thể đảm bảo tỷ lệ trên 30% nữ trúng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp và Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị trong Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cần bố trí ít nhất 1/3 thành viên là phụ nữ, trong số này phải có thành viên là người đứng đầu của Hội LHPN cùng cấp. Một số ý kiến khác cũng nhất trí việc cần có một điều khoản về vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong Hội đồng bầu cử quốc gia và trong suốt quá trình bầu cử.

Đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc, bà Shoko Ishikawa cho rằng “Chỉ tiêu về giới đã chứng tỏ là một biện pháp hữu hiệu để tiến tới thực hiện cân bằng giới trong các thể chế chính trị. Chỉ tiêu về giới trong bầu cử được hơn 1 nửa các nước trên thế giới thực hiện và được coi là cơ chế hiệu quả nhất để tăng cường đại diện chính trị của nữ giới”.

Đối với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới, như quy định số thành viên Chính phủ là nữ, quy định cụ thể số Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ ở mỗi bộ, cơ quan ngang bộ là nữ...

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đánh giá, tỷ lệ nữ đại diện trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở mức khiêm tốn dẫn đến thiếu tiếng nói đại diện của nữ giới trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách. Chỉ có 9% các vị trí Bộ trưởng và tương đương, 8% Thứ trưởng và tương đương là nữ. Nữ giới chiếm 8% Vụ trưởng và 14% Phó Vụ trưởng và tương đương. Nữ đại biểu trong Quốc hội cũng chứng kiến sự giảm nhẹ trong khi đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì chững lại. Do đó, hai dự thảo luật này cần sửa đổi cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng như khung pháp luật của Việt Nam.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được TW Hội LHPN Việt Nam tổng hợp để gửi Ban Soạn thảo luật của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video