Lồng ghép giới vào bộ tiêu chí NTM và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025

16/11/2021
Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về lồng ghép giới vào bộ tiêu chí Nông thôn mới, nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM) giai đoạn 2021-2025 do TW Hội LHPN Việt Nam và cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức vào sáng 15/11.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - xã hội TW Hội LHPN Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo về lồng ghép giới vào bộ tiêu chí NTM, nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG XDNTM diễn ra vào sáng 15/11

Hi tho có sự tham dự của đại diện các ban, đơn vị thuộc TW Hội LHPN Việt Nam; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Văn phòng Điều phối NTM TW; một số bộ, ngành liên quan và cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women).

Đề dẫn hội thảo, bà Trương Thị Thu Thủy, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình - xã hội TW Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia để xây dựng được bộ tài liệu lồng ghép giới trong các văn bản của Chính phủ. Hội thảo này là hoạt động tiếp nối nhằm giúp Hội có được các ý kiến sát thực để tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu tổng quát về bình đẳng giới, đảm bảo lồng ghép giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những yêu cầu trong các văn bản triển khai của Chính phủ để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Nghị quyết Quốc hội phê duyệt gồm: Nội dung cụ thể cần phải lồng ghép giới trong từng văn bản; Trách nhiệm của từng bộ, ngành; Ngân sách để thực hiện các nội dung thực hiện bình đẳng giới cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể, điều kiện cần có trong các văn bản nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện CTMTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Phạm Thái Hưng, chuyên gia của UN Women, vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm đưa vào mục tiêu tổng quát trong CTMTQG NTM, được thúc đẩy trong dự thảo bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, trong đó chú trọng mở rộng phạm vi tiếp cận về BĐG trong chỉ tiêu 18.5 (“Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội”) và lồng ghép giới vào nội dung các tiêu chí về lao động, giáo dục, y tế.

Ông Phạm Thái Hưng, chuyên gia của UN Women chia sẻ vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm đưa vào các mục tiêu tổng quát trong CTMTQG NTM

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng, các tiêu chí của Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch cũng đã được thể hiện trong một số tiêu chí, chỉ tiêu NTM, tuy nhiên cần chú trọng hơn nữa về tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi, không bỏ học; đầu tư thêm về vấn đề xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp…

Đối với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đến 2 nhóm vấn đề: giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm. Về nhóm tiêu chí liên quan đến giáo dục - đào tạo, bà Mai cho rằng tri thức đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của người phụ nữ, do đó các chính sách đào tạo, bồi dưỡng hướng tới đối tượng nữ giới rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện từ phía gia đình và xã hội và tán thành đề xuất của Hội LHPN Việt Nam đề nghị có quy định chỉ tiêu theo giới tính để đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thì vấn đề then chốt bắt đầu từ sự chuyển biến nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của người phụ nữ. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh giáo dục về bình đẳng giới ngay từ cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học là hết sức quan trọng. Về nhóm tiêu chí liên quan đến lao động – việc làm, bà Đoàn Thị Thanh Mai chia sẻ, khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý IV năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức độ cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp của nam giới. Ở khu vực nông thôn, các số liệu về lao động - việc làm phân theo giới còn rất hạn chế. Bà Mai đề nghị sự cần thiết có chỉ tiêu về thu nhập bình quân theo giới tính; các cơ quan, đơn vị cần hướng dẫn các địa phương trong việc đảm bảo tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo có bằng cấp không thấp hơn so với lao động nam.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đến 2 nhóm vấn đề: giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm trong vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới

Ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo đề xuất, để có cơ sở định lượng đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên khía cạnh thúc đẩy bình đẳng giới, cần nghiên cứu đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm tiêu chí, ví dụ các chỉ tiêu liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em lang thang, cơ nhỡ… Cần có thước đo cụ thể, sự kiểm tra đánh giá kết quả để có số liệu chính xác, cụ thể trong tiêu chí giáo dục, đào tạo cho trẻ em; triển khai những hành động thiết thực, phù hợp với phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, từ đó phát huy hơn nữa quyền của phụ nữ không chỉ trong gia đình mà ở cả các hoạt động xã hội.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu, tổng hợp, phân tích để hoàn thiện các vấn đề chính trong tài liệu. Đặc biệt, kết quả hội thảo cũng mang lại những đề xuất quan trọng bổ sung vào bộ tiêu chí NTM và nội dung hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025 để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục có những hoạt động, chương trình phối hợp phù hợp trong thời gian tới.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video