Lớp học 2 ngày về Giới và Phát triển cho sinh viên Hoa Sen và sinh viên Mỹ

28/12/2010
Đại học Hoa Sen và tổ chức SIT Study Abroad đã phối hợp tổ chức một lớp chuyên đề về Giới và Phát triển trong 2 ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2010. Lớp chuyên đề này đã quy tụ một số sinh viên Đại học Hoa Sen và 12 sinh viên Mỹ từ nhiều trường đại học khác nhau ở Mỹ. Các sinh viên Mỹ này đến Việt Nam theo chương trình trao đổi của SIT Study Abroad. Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, đã trình bày hai bài giảng về vấn đề giới ở Việt Nam tại lớp chuyên đề này.

Trong bài giảng ngày đầu tiên về Giới và Phát triển, TS. Phượng đã trình bày về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa Đông Nam Á và văn hóa Việt Nam thay đổi theo chiều dài lịch sử. Bà bắt đầu bài giảng bằng cách giới thiệu cho sinh viên những yếu tố văn hóa đã tạo nên vị trí của người phụ nữ trong xã hội Đông Nam Á trong quá khứ, đó là hình thức xã hội mẫu quyền và nông nghiệp đã tạo ra nhiều bình đẳng giới. Sau đó, tư tưởng Nho giáo và đạo Phật đã khắc họa một hình ảnh người phụ nữ đảm đang, hiền hậu, chịu hi sinh, phụ thuộc chồng con. Những tư tưởng này đã đặt cho nam giới một vai trò trọng yếu trong xã hội hơn phụ nữ, trong khi người phụ nữ được xem là phải phục tùng trong suốt cả cuộc đời mình. Nhưng ngay cả trong thời đại mà phụ nữ phải sống dưới tầm ảnh hưởng của tam tòng tứ đức, vẫn có những người phụ nữ nổi bật ghi được những dấu ấn trong lịch sử Việt Nam, như công chúa Lê Ngọc Hân, Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, v.v. Bắt đầu bằng làn sóng nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1945, hàng loạt những người phụ nữ tiếp xúc với tư tưởng phương Tây đã hoạt động năng nổ trong nhiều hoạt động xã hội như báo chí, văn chương và cách mạng, đã tác động mạnh mẽ lên nhận thức của phụ nữ về vị trí của mình trong xã hội, quyền phụ nữ, phản bác bất bình đẳng giới, và kêu gọi phụ nữ dùng tri thức, và tinh thần tự chịu trách nhiệm để có được vị trí bình đẳng với nam giới trong xã hội.

Vào bài giảng ngày thứ hai về ‘Những vấn đề trong gia đình thời hiện đại ở Việt Nam’, TS. Phượng đã thực hiện một lớp học với nhiều tương tác giữa các sinh viên với nhau, bằng cách tạo cơ hội cho sinh viên từ 2 nước nói về những suy nghĩ và kinh nghiệm của mình về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình ở Việt Nam và Mỹ...

Trung tâm nghiên cứu Giới và Xã Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video