Lọt vào động "quỉ"

13/05/2006
Thăm dò các điểm đáp “hàng” của đủ kiểu đường dây từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) qua Lạng Sơn lên Cao Bằng, sáng 10-10 tôi rời cửa khẩu Tà Lùng, thâm nhập các động “quỉ” bên kia biên giới Tây Bắc.

Bỏ giấy thông hành vào túi với một chiếc máy ảnh, tôi nhập vai người dân Phục Hòa đi buôn hạt dẻ. Qua cầu Bắc Vọng, tôi vẫy xe chợ đi về thủy khẩu Long Châu - thị trấn miền rừng thuộc huyện Long Châu (Quảng Tây). Sau gần một giờ vào tới phố huyện, loay hoay mãi rồi cũng tìm được lối vào một khu vườn hoang nằm ẩn sau đường phố Độc Sơn.

Những hình phạt của “quỉ”

Vừa đặt chân vào động, mắt tôi lạc vào những ô nhà ổ chuột rách nát dưới những vòm cây hoang. Biết tôi là người Việt, từng tốp gái ăn mặc hở hang chạy ùa tới ôm vai bá cổ, giục “lấy gái” đi rồi dẫn vào bàn ăn trong một buồng đóng kín.

Một em ở Hà Tây giới thiệu: “Đây là quán cơm dã chiến, “việc kia” mới là chính nhưng trước khi “lấy gái” anh phải gọi ít nhất bốn món trở lên theo “luật” ở đây. Còn bia, rượu thì tùy”. Đang ở thế tiến thoái lưỡng nan nhưng tôi cũng phải gọi đủ bốn món để tranh thủ vào cuộc, mỗi món 40 nhân dân tệ, tương đương 80.000 đồng VN (1 tệ =1.960 đồng VN) mặc dù tôi không đủ tâm trí thoải mái để nhâm nhi một món nào. Cơm chưa dọn xong thì các em đã giục đi “đóng” trước đã, ngay sát phòng cơm. Tôi đứng bật dậy đẩy cửa bước vào cốt mục kích “động quỉ” Long Châu có gì lạ. Hóa ra chốn hành lạc chỉ là một nền gạch trống trơn. Phía góc phòng dựng một chiếc chiếu cói cũ nát. Tôi lắc đầu tỏ ý chê rồi lùi ra ngồi uống bia, cắn hạt dưa.

- Các em tự nguyện sang làm việc này lâu chưa? - tôi thăm dò.

- Tất cả đều bị lừa bán sang đây nhưng không còn đường về quê nữa nên phải chấp nhận đời bán dâm cho đủ hạng người. Đã vào đây đứa nào cứng cổ, không chịu đi khách lại còn tìm cách tháo thân thì hãy coi chừng mụ chủ dùng chai bia đánh vào đầu. Đánh xong mà không chịu nghe lời thì chủ sẽ điều vào vùng sâu, vùng xa mục thây cũng không tìm được đường về.

- Mụ chủ là “mèo già hóa cáo”. Mụ vốn là người Việt, từng bị bán, rồi chán đời đi lang thang. Khi đến Long Châu mới bắt mối về quê lừa gái dắt bán sang đây thành nghề chuyên nghiệp để “trả thù quãng đời bị đánh cắp”. Kinh doanh hang động là nghề mới của mụ. Ngoài tài lo lót để hang động yên bề làm ăn, mụ còn có đội quân “gái tặc” để cai quản những “hàng” xịn mới bị lừa sang nhưng không chịu bán mình - một cô gái Thanh Hóa tiếp lời.

- Mới đây một con bé lì đòn, quyết không chịu để khách “mở” trinh với giá 1.000 tệ đã bị mụ chủ dùng chai bia đánh sưng cả mặt mày rồi nhốt biệt lập trong phòng kín có khóa từ để khó bề trốn thoát. Không chịu “mở” trinh thì mụ chủ bắt cõng một lão tầm 80 tuổi, miệng không còn một cái răng, đi lên gác hai để bán dâm. Trước đó tại gác này một lão U-80 sau khi hành lạc đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên chiếc chiếu nát - cô gái Tuyên Quang rùng mình nhớ lại.

Những câu chuyện đau lòng khiến tôi nhớ hình ảnh bé gái Vũ Thị Thanh H., 13 tuổi, đang học dở lớp 7, trú tại khu tập thể An Dương, phường An Dương, quận Lê Chân (Hải Phòng) vừa được trả về ngày 29-9-2005 trên cầu Bắc Luân, thị xã Móng Cái cùng 37 nạn nhân từng bị lừa bán sang Quảng Đông. H. nổi tiếng xinh đẹp nhất phường nên bị Hương “thợ săn” người Nghệ An lừa đi làm người mẫu ở khu du lịch đảo Tuần Châu rồi bất ngờ bị bán trong một khách sạn ở Móng Cái với giá 4.000 tệ. H. căm phẫn nhớ lại: “Mỗi lần biết mình sắp bị làm nhục cháu gào lên kinh sợ lắm, nhưng rồi ngày nào cũng phải tiếp 8-10 khách. Mệt cũng phải tiếp. Có hôm còn phải tiếp tăng lên 15 lần mới đủ tiền trả nợ cho chủ vì chủ bảo mua cháu hơn 8.000 tệ, khi nào trả hết số tiền đó cháu mới được về quê tiếp tục đi học”.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Dũng - đội phó đội CSĐT Công an thị xã Móng Cái - nhắc lại những cảnh đời khó quên sau khi tiếp nhận các nạn nhân: “Trong 37 nạn nhân cô nào cũng bị nhuộm tóc, thay đổi cách ăn mặc sao cho bắt mắt khách làng chơi. Có cô bị làm nhục 30 lần/ngày. Khi thấy cô nào ngất xỉu, các chủ động tưới nước đá vào mặt cho tỉnh. Nếu đuối sức nó truyền đạm, cho thuốc bôi và tiêm thuốc kích dục”. Hầu hết nạn nhân bị lừa bán không được chủ trả một đồng nào nhưng vẫn phải chịu bóc lột đến tận cùng để mong một ngày “thu hồi vốn” cho chủ giống như trường hợp của H...

Những kẻ đào thoát

Nguyễn Thị Loan (1987) ở Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vừa mới bị bán xong đã ốm liền 12 ngày. Ngày thứ 13 đang ngồi xe lai trên đường bị

Còn hai nạn nhân Đỗ Thị D. (1989) đang học lớp 6; Hoàng Thị H. (1989) lớp 7 ở xã Tiền Phong, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) bị lừa từ Quảng Ninh về Hà Nội rồi lên tàu hỏa qua Sơn La, đến Tuần Giáo sang Phong Thổ. Cuối cùng bị bán giá 5.500 tệ/người vào “hộp” đêm bên chợ Hà Khẩu thuộc huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày 25-8-2005.

Sau ba ngày bị ép liên tục nhưng cả hai đều chống cự, quyết không chịu để khách “mở” trinh, H. bị bọn cai động đánh gãy chân. D. bị cắt đứt gân chân. Biết khó thoát khỏi nanh vuốt động “quỉ”, hai cô bé tìm cách lừa mụ chủ “cho đi chợ biên rồi về bảo gì cũng nghe. Không ngờ mụ chủ tin”. Ra chợ hai cô bé đang ngơ ngác tìm đường thoát thân thì may mắn gặp chú lái xe đi mua ngô nói tiếng Việt. Cả hai quì xuống cầu cứu, xin được theo về biên giới. Vậy là chiếc xe bí mật chất đầy ngô lăn bánh về đồn biên phòng cửa khẩu Ma Đồn Thàng trên đất Việt mang theo hai nạn nhân nằm im như thóc dưới những lớp ngô phủ lên.

Nỗi đau dai dẳng

Tại Trung tâm Giáo dục xã hội tỉnh Cao Bằng, tôi nghe tiếng nấc ngậm ngùi của Đinh Thị Thơm (20 tuổi), trú tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập (Phú Thọ). Thơm bị tên Dũng lừa bán hồi tháng 6-2005. Thơm than: “Vào đây liên tục uống thuốc điều trị hơn mười ngày mà vẫn không khỏi chứng bệnh sùi mào gà. Cháu thuộc diện gái không sắc nên mỗi lần đi khách chỉ được 20-25 tệ. Vì vậy mụ chủ thường xuyên bắt dậy sớm đi tới khuya, hết khách mới được về. Mỗi ngày mụ khoán phải làm được 200 tệ. Tảng sáng mồng 1 tết đã phải đi làm. Làm nhiều mà không dám đi bao cao su vì rát nên cháu bị nhiễm bệnh ngay từ đầu. Ngày nào làm không đủ khoán thì bị đánh và bỏ đói. Nếu khóc sẽ bị bắt quì và nhốt vào phòng vệ sinh cho đến sáng”. Vì nhiễm bệnh mà sau khi được giải cứu Thơm vẫn không dám báo tin về gia đình vì “sợ biết tin này không hiểu bố mẹ đau xót đến chừng nào”.

Chị Phạm Thị Kim Cúc - dược sĩ của trung tâm - cho biết: “100% số PN, TE được trao trả về đây đều mắc bệnh phụ khoa, đặc biệt các loại bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà, có trường hợp bị HIV”. Tôi gặp Vi Thị Hạnh, khi được giải cứu về đến trung tâm đã mang thai ba tháng. Cô đau lòng khi bào thai cay nghiệt bị gia đình kiên quyết phải dứt bỏ.

“Một nỗi sống nhục khác trên đất khách xa lạ là bị đổi tên thành Á Phương, Á Mai, Á Liên... và cấm nói tiếng Việt. Hễ ai hé răng liền bị đầu gấu đánh bằng gậy sắt hoặc roi điện rồi đọc lệnh di chuyển đến động khác cơ cực hơn” - hai chị em gái Lê Thị Kim Hà (19 tuổi) tâm sự. Rất nhiều cô gái cùng chung cảnh ngộ như Hà sau khi được giải cứu đã không dám bước chân về lại quê cũ.


VŨ TOÀN thực hiện (Tuổi trẻ)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video