Lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài

09/02/2006
Khi dùng thuốc bôi ngoài da, cần biết cơ chế tác dụng của thuốc, phản ứng của cơ thể với thuốc ấy.

- Đối với những thương tổn còn viêm trợt, chảy nước: chỉ dùng các loại thuốc như đắp gạc, phun nước và hồ nước...

- Với trẻ em: Vì sự nhạy cảm của da trẻ em không giống như da người lớn nên cần dùng thuốc ở tỷ lệ nồng độ thấp hơn người lớn, ví dụ mỡ lưu huỳnh dùng bôi ghẻ cho người lớn có thể dùng tới 30%, nhưng ở trẻ em chỉ dùng 10% và không dùng bôi ở vùng da mỏng như bẹn... vì dễ bị kích thích và dùng thuốc ở tỷ lệ thấp hơn.

Ví dụ nấm bẹn chỉ dùng dung dịch iod salicylic 1-2%. Nhưng trẻ em bị nấm ở kẽ chân hoặc vùng da dày lại có thể dùng tới 3% hoặc cao hơn. Đối với các nếp, các kẽ nói chung nên tránh dùng thuốc mỡ vì dễ gây lép nhép, bí hơi nhất là vào mùa hè mà chỉ nên dùng thuốc bột, thuốc nước hoặc thuốc hồ...

- Cần chú ý thăm dò phản ứng của từng người bệnh đối với thuốc: làm như vậy nhằm tránh các phản ứng nguy hiểm hoặc làm bệnh thêm nặng hơn. Muốn vậy cần bắt đầu bôi thử từng vùng nhỏ và theo dõi chặt chẽ sự phản ứng của thuốc đó tốt hay xấu. Nếu tốt, tức chịu được thuốc này sẽ bôi tiếp rộng ra toàn thương tổn.

- Cần lưu ý một số thuốc dễ gây nhiễm độc: Một số thuốc dễ gây nhiễm độc như acid salicylic, resocxin, aicd crisophanic, acid borique, gudron... không được bôi toàn thân hoặc bôi dài ngày và bôi cho trẻ em, cho phụ nữ đang mang thai, nhất là khi người bệnh có thương tổn rộng hoặc trợt loét sâu.

Tuy nhiên còn một số thuốc khác không gây nhiễm độc, song cũng không nên bôi quá lâu vì dễ gây nhờn thuốc. Do đó đối với từng loại thuốc bôi không dùng kéo dài mà chỉ nên dùng từ 15-20 ngày rồi lại thay thuốc khác có tác dụng tương tự...

- Lưu ý sự tương kỵ giữa các thuốc: Vấn đề tương kỵ giữa các thuốc tuyệt đối không được dùng chung, ví dụ các thuốc có chế phẩm là thủy ngân như oxyt vàng, thủy ngân, sublimé, calomel tuyệt đối không được bôi chung một chỗ với iod vì sẽ xảy ra phản ứng hóa học giữa chúng làm cháy da mạnh.

Một số thuốc dễ gây tai biến như mỡ crisophanic không bôi vào các vùng da mỏng trong cơ thể như bẹn, bìu, nách dễ gây nên viêm da do thuốc. Ngay các vùng mặt, mặt cạnh mắt cũng không bôi vì dễ dây sang mắt làm viêm kết mạc gây hỏng mắt. Không bôi thuốc lên đầu vì có thể làm tóc hung đỏ; lại càng không được bôi toàn thân vì dễ gây nhiễm độc, viêm cầu thận...

Tóm lại khi dùng thuốc bôi ngoài da cần thận trọng, cân nhắc khi dùng các loại thuốc nhất là phối hợp, dạng thuốc nên dùng ở đâu, lưu ý đến sự phản ứng của cơ thể với thuốc, phù hợp từng vùng da và theo dõi chặt chẽ diễn biến để có biện pháp thích hợp tránh được tác dụng bất lợi gây tai biến hoặc làm bệnh phức tạp thêm, kéo dài, khó chữa.

Theo Sức khỏe & đời sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video