Luyện tập để chữa bệnh phụ khoa

07/12/2005
Thể dục chữa bệnh trong phụ khoa là một chuyên ngành còn mới mẻ, đang được phát triển ở nhiều trung tâm chữa bệnh trên thế giới. Sau đây là một số bài tập có tác dụng phòng, chữa bệnh phụ khoa:

Bộ phận sinh dục kém phát triển, kinh nguyệt không đều, thống kinh:

 

- Ngồi xổm trên hai bàn chân, kiễng hai gót chụm vào nhau, hai tay chống trên hai gối, lưng giữ thẳng, cử động lên xuống từ 6-8 lần.

 

- Ngồi xổm trên một chân, còn chân kia duỗi dài ra phía sau, thay đổi chân 4-6 lần rồi duỗi dài ra phía trước, thay đổi chân.

 

- Đứng dạng hai chân tạo với người một góc 60 độ, hai tay chống vào hông, gấp người ra phía trước tạo với đùi một góc 90 độ làm 6-8 lần.

 

- Đứng thẳng người. Một tay bám vào thành tường, chân cùng bên làm trụ, chân kia đưa thật mạnh ra phía trước rồi ra phía sau trong lúc tay đưa theo hướng ngược lại. Làm 4-6 lần, sau đó đổi bên.

 

Các động tác trên đều kết hợp với thở sâu để tăng cường hoạt động tuần hoàn ở vùng khung chậu. Ngoài ra, nên tập những động tác cơ bản về hông và mông, nhất là những bài tập thể dục nhịp điệu. Nên tập ở ngoài trời và nơi thoáng khí.

 

Sa sinh dục

 

Sa sinh dục thường gặp ở những người làm những công việc nặng nhọc trong kỳ hậu sản (6 tuần sau đẻ). Tập thể dục có thể phòng và chữa bệnh trong giai đoạn mới bị sa. Những bài tập này gồm các động tác ở tư thế quỳ đầu gối, chống tay hoặc khuỷu tay xuống đất nhằm đưa dạ con về vị trí sinh lý của nó.

 

Bài tập 1: Nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng, hai tay duỗi dọc theo người sau đó đưa hai chân lên trên thật thẳng rồi từ từ về phía sau đầu, hai tay đỡ phần hông. Làm từ 4-6 lần.

 

Bài tập 2: Nằm ngửa như trên, đưa hai chân và cả phần lưng trên thẳng góc với đầu, cổ và hai vai, hai tay đỡ hông, rồi cứ một chân gấp thì một chân duỗi làm từ 4-6 lần.

 

Ngoài ra, tập các động tác ở bụng, nhưng nằm trên mặt phẳng, đầu ở vị trí thấp.

 

Chú ý: Ở những người sa sinh dục không được tập các động tác chạy và nhảy, hoặc ở tư thế đứng mà phải dồn sức xuống dưới. Tránh động tác rặn quá sức (nhất là rặn khi đại tiện bị táo bón).

 

Rối loạn tiểu tiện sau sinh

 

Rối loạn tiểu tiện ngoài những nguyên nhân bệnh lý hoặc các khối u, thường là do tai biến trong khi sinh đẻ, nhất là phải can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật, đôi khi do sợ hãi quá làm rối loạn co thắt cổ bàng quang. Trong những trường hợp này, nên tập bài thư giãn, xây dựng lại những phản xạ mới ở đường tiết niệu sinh dục, làm cho chúng trở lại hoạt động bình thường.

 

Nên tập thư giãn và tập “rặn” xen kẽ nhau, tập “rặn” là gây một áp lực trong ổ bụng để đẩy nước tiểu ra ngoài. Luyện tập cơ bụng xen kẽ 2 thì: làm cứng bụng và làm mềm bụng, tức là lên gân gây trương lực cơ ép vào thành bụng rồi làm mềm bụng.

 

- Những ngày đầu sau đẻ và mổ, tập trong tư thế nằm ngửa, hai cẳng chân co lên một góc vừa phải, hai tay áp vào bụng, tập thở bụng 6-8 lần.

 

Cũng tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng, hai tay đưa sang ngang, lên trên đầu rồi đưa ra phía trước, mỗi động tác làm từ 4-6 lần.

 

- Sau đó vài ngày tập tiếp những bài sau: Đứng thẳng người, gập người xuống, hai tay chạm chân, làm 4-6 lần.

 

Ngồi bệt trên sàn nhà, gập hai đầu gối, dùng hai tay kéo hai đầu gối, dạng rộng thêm rồi lại khép lại làm 6-8 lần.

 

Nằm sấp, trán tì trên hai tay, nâng từng bàn chân lên trên, làm 4-6 lần.

 

Đứng giạng chân một góc 60 độ, hai tay cầm quả bóng giơ thẳng trên đầu, nghiêng người sang trái và sang phải càng nhiều càng tốt, mỗi lần làm 4-6 lần, kết hợp với tập thở sâu và chậm.

 

Thể dục cho thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh

 

Thời kỳ này có những dấu hiệu thất thường như kinh nguyệt không đều, đôi lúc có những cơn bốc nóng lên đầu và cảm giác như kiến bò ở tai. Thể dục liệu pháp trong thời kỳ này có thể loại trừ những rối loạn trên. Cần có sự lựa chọn những bài tập thể dục cho thích hợp, kết hợp với chế độ sinh hoạt điều độ, nhất là tạo mọi điều kiện làm tinh thần được sảng khoái.

 

- Hằng ngày dành 15 phút tập những bài thể dục chống mệt mỏi giữa giờ cho người lao động, nhưng chú ý không tập những động tác cúi gập người. Trong những động tác nằm ngửa, nên kê gối mềm ở đầu và cổ, tránh máu dồn về đầu nhiều.

 

- Cần tập nhiều những động tác cho cơ bụng để chống lại sự mềm nhẽo làm cho bụng sệ ra. Trong khi tập nếu thấy mệt mỏi nên tập nhiều động tác thở sâu, thở ngực và thở bụng xen kẽ nhau, giảm bớt những động tác chạy nhanh.

 

- Ngoài ra, nên tham gia các môn thể thao phổ thông như bơi lội, cầu lông và các bài tập dưỡng sinh.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video