Ma túy “đi” máy bay vào Việt Nam

06/12/2007
Năm 2007, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuất hiện nhiều yếu tố rất đáng đáng lo ngại. Nếu như trước đây, các đường dây buôn bán ma túy tập trung vận chuyển hàng qua địa hình hiểm trở biên giới, thì gần đây chúng chuyển qua đường hàng không với số lượng ma túy vận chuyển lớn.

Số lượng ma túy bị cơ quan chức năng bắt giữ tăng lên không ngừng, nhưng lo ngại nhất lại là chuyện các tiền chất ma túy tràn vào Việt Nam bị buông lỏng quản lý

Nhân viên bưu điện "nhúng chàm"

Ngày 23/5, Đội 3 Cục chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an, Hải quan bưu điện TP HCM kiểm tra lô hàng của Công ty DHL-VNPT.Ltd, đã phát hiện, bắt giữ 8kg Pseudo-Ephedrin (cả bì), một tiền chất để sản xuất ma túy của một đối tượng đang trên đường vận chuyển từ Việt Nam đi Australia.

Cuộc khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng này ngay sau đó phát hiện thêm một gói gần 8 kg Pseudo-Ephedrin nữa.

Trước đó, ngày 15/5, các cán bộ Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cũng đã nghi vấn một lô phấn rôm của Công ty DHL-VNPT.Ltd.Co có những dấu hiệu rất lạ. Qua tìm hiểu, phát hiện một chất bột màu trắng phản ứng dương tính với Ephedrin.

Trên cơ sở tài liệu xác thực, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Bá Trí về tội buôn bán, vận chuyển trái phép tiền chất để sản xuất ma túy qua biên giới. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Trí, các trinh sát còn thu thêm 62 viên nén màu trắng, 3 túi đựng 7,8 kg bột màu trắng như nói ở trên.

Mới đây, sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Sơn La đã kiểm tra 2 bưu kiện gửi từ thị trấn Mộc Châu, đã phát hiện, thu giữ 3 bánh heroin do Lường Thị Khuy, nhân viên Bưu điện Mộc Châu gửi tới Trần Việt Vương (1 bánh) và Nguyễn Văn Báu (2 bánh).

Các chuyên gia đánh giá vụ việc này là hết sức nghiêm trọng, bởi đặc thù của ngành Bưu điện, là khi khách hàng gửi bưu phẩm, bưu kiện, nhân viên khâu chấp nhiệm mới có quyền kiểm tra nội dung hàng hóa và niêm phong trước khi chuyển đi khai thác, các khâu khác không được phép mở niêm phong. Vì thế, nếu nhân viên khâu chấp nhiệm cố tình bao che thì khó mà phát hiện đó là hàng cấm.

Xuất hiện nhiều dạng ma túy lạ, mới

Riêng lực lượng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan năm 2007 đã phát hiện, bắt giữ 37 vụ ma túy lớn nhỏ, thu giữ hàng chục kg ma túy, hàng ngàn viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tiền chất ma túy khác. Điều rất đáng quan ngại, là nhiều loại tiền chất để sản xuất ma túy hiện còn rất xa lạ với cán bộ chức năng, nhưng chúng đã có mặt tại Việt Nam và sử dụng ở một số sàn nhảy.

Ngay như tiền chất Ephedrin, theo các chuyên gia việc pha chế hoạt chất này thành ma túy để sử dụng quá dễ, thậm chí người có trình độ trung cấp dược cũng có thể điều chế thành công.

Trong khi đó, công tác quản lý tiền chất ma túy còn quá nhiều sơ hở; việc trang bị kiến thức nhận biết cũng như máy móc thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, phát hiện các loại tiền chất ma túy mới này cũng chưa tới tầm, trước mắt là cho Hải quan, Công an, Biên phòng...

Tại Cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất, mỗi ngày trung bình có 70 đến 80 chuyến bay và hơn 10 ngàn lượt khách làm thủ tục xuất nhập cảnh. Chính vì tính chất phức tạp như vậy, việc phát hiện ma túy bằng phương pháp trực quan là rất khó.

Gần đây, ngoài việc tăng cường lực lượng, Chi cục Hải quan sân bay đã đầu tư thiết bị chuyên dùng, huấn luyện chó nghiệp vụ chủ động tuần tra phát hiện ma túy. Đồng thời, thành lập đội kiểm soát phòng chống ma túy tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, quy định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này.

Nhưng theo các chuyên gia, cần tăng cường đào tạo cán bộ đủ khả năng nhận biết các loại tiền chất ma túy mới xuất hiện để kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Nếu không, đây là khoảng trống rất nguy hiểm khi bọn tội phạm lợi dụng.

 

Thanh Phong, Xuân Luận - Thư viện pháp luật

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video