Mạch ngầm giữ lửa làng nghề

11/04/2019
Giống như mạch ngầm không bao giờ cạn, dù làng nghề có lúc trải qua giai đoạn thăng, trầm, chị em vẫn cần mẫn, nỗ lực vượt khó, duy trì nghề truyền thống của quê hương.

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Góp phần không nhỏ trong bảo tồn sức sống ở làng nghề phải kể tới vai trò của những người phụ nữ. Giống như mạch ngầm không bao giờ cạn, dù làng nghề có lúc trải qua giai đoạn thăng, trầm, chị em vẫn cần mẫn, nỗ lực vượt khó, duy trì nghề truyền thống của quê hương.

Làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín có nghề thêu tay nổi tiếng, là nơi khởi nguồn cho nghề thêu trong cả nước từ giữa thế kỷ 17. Hơn 400 năm qua, từ chỗ phát triển cực thịnh, nghề thêu tay ở Quất Động cũng có lúc biến động, hàng thêu tay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hàng thêu máy hiện đại, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, những người thợ, nghệ nhân tài hoa, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ ở đây, vẫn dành tình yêu bền bỉ cho nghề, kiên quyết giữ nghề bằng mọi giá.

Hiện nay, nghề thêu ở Quất Động vẫn phát triển, đem lại thu nhập cao cho không ít hộ dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ khuyết tật chân, tay, vẫn tự lực mưu sinh nhờ biết nghề thêu. 

Nghề thêu tay của Hà Nội ngày nay còn được biết đến bởi những đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, góp phần tôn vinh và bảo tồn nghề thêu ở một số địa phương khác của huyện Mỹ Đức như xã Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm… Nghề thêu tuy đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm thêu đa dạng như tranh thêu, chăn ga gối thêu, thêu truyền thần, thêu trên áo dài… được tiêu thụ, quảng bá rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế, được du khách nước ngoài quan tâm.

 

 Cô gái trẻ Đặng Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1990, hiện đang cùng chồng là nghệ nhân khảm trai giữ nghiệp gia đình


Vừa rảo bước trên những “phố nhỏ” sầm uất ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, chị Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội LHPN xã vừa say sưa kể về nghề truyền thống khảm trai của quê hương mình. “Từ mảnh vỏ trai tưởng chừng đã bỏ đi, qua đôi bày tay khéo léo, lòng yêu nghề của người thợ đã trở nên lung linh, mang lại vẻ đẹp cho nhiều sản phẩm”. Chị cho biết thêm: Một điều rất thú vị, một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề này là “cẩn xà cừ” (gắn họa tiết xà xừ lên nét vẽ) lại do chị em đảm nhiệm vì khâu này cần tới sự mềm mại, khéo léo, tính tỉ mẩn, cẩn thận. 

 

 Trong nghề khắc gỗ, khảm trai mỹ nghệ, không thể thiếu đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ


Nghề khảm trai đã đưa Chuyên Mỹ trở thành điểm thu hút sự quan tâm của công chúng gần xa. Đồng nghĩa với điều đó, những đơn hàng chuyển về Chuyên Mỹ ngày càng lớn. Mới hết quý 1, có những cơ sở tại đây đã nhận được đơn làm hết năm sang tận năm sau. Thu nhập của thợ làm nghề khảm trai luôn ổn định, đứng trong top cao của huyện Phú Xuyên.

Cũng những ngày này, đến với xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, người ta có thể cảm nhận sự sầm uất của những con “phố nhỏ trong làng”. Chàng Sơn có nghề làm quạt, được cho là dành riêng cho người thợ nữ. Một thời quạt máy hưng thịnh, quạt giấy tưởng chừng thất thế, chị em ở Chàng Sơn có nguy cơ mất nghề. Tuy nhiên, thời gian gần đây, làng nghề trở nên ngày một tấp nập.

 

  Chàng Sơn có nghề làm quạt, được cho là dành riêng cho người thợ nữ.


Chị Bùi Thị Huyên - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 2 cho biết: Nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, đổi mới mẫu mã, chủng loại; sử dụng chất liệu cao cấp làm quạt như the tơ, lụa...; trang trí hoa văn đẹp mắt, đậm chất nghệ thuật… chị em Chàng Sơn đã nâng cao giá trị của chiếc quạt  lên nhiều lần, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề. “Cả xã Chàng Sơn hiện có 50 hộ theo nghề làm quạt, nhiều cơ sở do chị em phụ nữ làm chủ, là đầu mối lớn chuyên xuất khẩu quạt với số lượng lớn”.

 

 

 Những chiếc quạt Chàng Sơn được hoàn thành bởi đôi bàn tay của người thợ như những tác phẩm nghệ thuật


Cùng từ nguyên vật liệu là tre, dang, bàn tay khéo léo, tinh tế của người phụ nữ lại tôn vinh, làm đẹp làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Ngoài chuồn chuồn tre, những người thợ còn sáng tạo thêm nhiều con vật khác như chim, bướm… 

 

 Những con chuồn chuồn tre sặc sỡ này được làm ra bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thạch Xá


Chuồn chuồn tre đã trở thành đồ chơi quen thuộc, mang theo giấc mơ của các em nhỏ trong làng bay cao, bay xa. Rồi mai đây, các em sẽ trở thành những người lại tiếp nối ông bà, cha mẹ giữ lửa làng nghề truyền thống.

 

Chuồn chuồn tre là đồ chơi quen thuộc, mang theo giấc mơ của các em nhỏ


Nhiều du khách quốc tế đã tìm tới làng nghề Thạch Xá để được tự tay trải nghiệm làm chuồn chuồn tre

 

Du khách quốc tế trải nghiệm làm chuồn chuồn tre tại làng nghề Thạch Xá


Hay như ở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, nét đẹp dịu dàng, thùy mị, mong muốn mang đến niềm vui, sự hạnh phúc, làm đẹp cho đời của người phụ nữ lại được gửi gắm vào việc trồng hoa. Khởi nguồn từ một làng nhỏ chuyên trồng hoa, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, tốc độ đô thị hóa đã không thể khiến diện tích trồng hoa Tây Tựu bị thu hẹp. Ngược lại, phụ nữ Tây Tựu còn mở rộng diện tích đất canh tác hoa lên gấp 2, 3 lần, sang cả những xã lân cận của huyện Đan Phượng, tạo thành những cánh đồng hoa lớn trải dài ngút ngát. 

 

 Những cô gái trên ruộng hoa với nụ cười tươi, nét dịu dàng… đã làm nên bản sắc riêng cho làng hoa Tây Tựu

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Thủ đô hiện nay, đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của đối tác nước ngoài, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Cùng với chính quyền địa phương, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã vào cuộc hỗ trợ hội viên là chủ cơ sở sản xuất làng nghề bằng những việc làm cụ thể như hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề, tuyên truyền kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp với các phòng ban chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Bảo tồn nét văn hóa truyền thống đi cùng với sự khấm khá của đời sống người dân, sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương là một trong những yếu tố để làng nghề truyền thống phát triển bền vững, ổn định.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video