Mái ấm tình thân nâng cao kỹ năng “trò chuyện”, gắn kết các gia đình có H

10/06/2013
Trong hai ngày 6 và 7/6/2013, Mái ấm tình thân đã tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng “trò chuyện” với trẻ em về tình trạng nhiễm HIV/AIDS tại nhà cho 30 ông bố, bà mẹ đang nuôi con nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi H. Chương trình được tài trợ của Quỹ Unilever Việt Nam.

Bác sĩ Trịnh Thị Huệ - phụ trách MATT cho biết: Hiện tại, nhiều ông bố, bà mẹ nhiễm HIV (con có thể đã bị lây nhiễm hoặc chưa) nhưng vẫn dấu con vì sợ chúng sẽ sốc, không chịu được hoặc sợ con bị kì thị. Trong khi đúng ra, cha mẹ phải nói với trẻ, để trẻ biết bệnh tật, hoàn cảnh của mình để điều trị. Ngoài ra, trẻ biết từ chính cha mẹ sẽ đỡ “sốc” hơn khi thấy nghe từ bên ngoài. Trẻ đang nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường nhạy cảm, cô đơn, thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ bình thường. Do đó, cha mẹ cần biết cách thức trò chuyện, giúp trẻ bộc lộ mình, tích cực tham gia điều trị bệnh, chủ động phòng tránh bệnh và sống tích cực hơn. Chương trình tập huấn này nhằm giúp bố mẹ, người thân tìm ra cách thức trò chuyện “cho trẻ biết” về tình trạng “có HIV” của trẻ hoặc của người thân trong gia đình, làm giảm nhẹ “cú sốc”, nỗi đau của trẻ khi biết hoàn cảnh bệnh tật, phối hợp tuân thủ điều trị, thực hành chăm sóc bản thân cũng như biết chủ động phòng chống lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng; đồng thời, giúp cha mẹ nâng cao kiến thức, kỹ năng nắm bắt tâm lý của trẻ, kịp thời chia sẻ tâm tư tình cảm với trẻ. Đây cũng là dịp để các ông bố/ bà mẹ có H gặp gỡ, trò chuyện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con của mình và động viên nhau cùng cố gắng sống vui, sống có ích.

MATT là mô hình điểm của Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV” do AusAID – Cơ quan phát triển quốc tế của Australia tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc SKSS (WARC), Hội LHPN Việt Nam triển khai.

Tham gia tập huấn, 30 ông bố, bà mẹ được cung cấp kiến thức đặc điểm tâm sinh lý của trẻ nhiễm/ bị ảnh hưởng của HIV/AIDS, rèn luyện kỹ năng, nguyên tắc, quy trình trò chuyện về tình trạng nhiễm HIV cho trẻ tại nhà; thực hành xử lý những phản ứng của trẻ trong quá trình trò chuyện. Thông qua trò chơi, xử lý tình huống nhanh, làm bài tập nhóm..., các thành viên trong lớp đã gắn kết với nhau hơn, nắm vững được kiến thức, kỹ năng “trò chuyện” với trẻ. Đặc biệt, lớp học đã tạo được không khí sôi nổi, cởi mở, tràn ngập tiếng cười, đã xóa đi ranh giới, mặc cảm và nỗi đau của mỗi thành viên.

“Đã lâu lắm rồi, hôm nay mới được tham gia lớp học bổ ích, lý thú và ý nghĩa như vậy. Nếu không có lớp học này, chắc chắn tôi và nhiều bố mẹ khác không thể hiểu được con mình đang cần gì, muốn gì. Chắn chắn chúng tôi cũng không biết được với con khỏe mạnh và con có H, phải trò chuyện với các con như thế nào để con hiểu và không mặc cảm, giúp con bớt sốc và đau buồn”, chị B.T.H (30 tuổi, có chồng mất vì AIDS và bản thân nhiễm HIV ở Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ. Nỗi đau vì mất mát, nhiễm bệnh và bị kỳ thị của mọi người, làng xóm đã từng khiến chị muốn ôm con chết cùng chồng. May mắn, mẹ con chị được hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và được bao bọc, giúp đỡ trong Mái ấm tình thân của Hội LHPN Việt Nam. Mỗi lần đi khám bệnh, chị lại tìm đến Mái ấm để nghỉ lại qua đêm, được các cô, các chị trong Mái ấm lo cho hơn những người thân trong gia đình và được biết nhiều kiến thức HIV. Được gặp gỡ, chia sẻ với người đồng cảnh ngộ, nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV, rèn luyện các kỹ năng giúp ích cho cuộc sống và phòng, tránh bệnh cho người thân… đã giúp chị sống vui, sống khoẻ và sống có ý nghĩa. Với nụ cười trên môi, chị H cho biết, Mái ấm tình thân đã trở thành điểm tựa của chị trong suốt thời gian qua. Hiện mẹ con chị đều vui vẻ, khỏe mạnh, con trai 9 tuổi vừa được nhà trường tặng giấy khen học sinh giỏi, bản thân chị được tin tưởng bầu làm trưởng nhóm Hoa mười giờ – nhóm gồm 20 người có H ở địa phương tự nguyện tham gia sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video