Mái nhà chung của phụ nữ yêu thổ cẩm Mường

30/12/2010
“Tôi yêu mến nét hoa văn tinh tế trên trang phục của người phụ nữ dân tộc Mường và cảm thấy xót xa khi một nét văn hoá đặc sắc như nghề dệt thổ cẩm lại trở nên mờ nhạt trong đời sống của người dân bản địa. Đó là lý do vì sao tôi dồn tâm huyết vào hoạt động của HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn…”.

Với chị Bùi Thị Lan Phương - sáng lập viên HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn (Mãn Đức, Tân Lạc), HTX không đơn thuần là một đơn vị kinh tế mà đã thực sự trở thành mái nhà chung để gần 100 xã viên nơi đây cùng nhau dệt nên một mơ ước: khôi phục văn hoá thổ cẩm xứ Mường. 

 

Chị Lan Phương kể lại: Mường Bi xưa tức huyện Tân Lạc ngày nay là mảnh đất văn hoá đặc trưng của xứ Mường Hoà Bình. Trong đó, dệt thổ cẩm là nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng như chị, chồng chị là anh Đinh Công Sằn, cán bộ xã nghỉ hưu – luôn nung nấu ý nghĩ cần khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương. Tâm huyết của hai vợ chồng được hiện thực hoá bắt đầu từ tháng 6/2008, đánh dấu bằng sự ra đời của HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn do anh Đinh Công Sằn làm chủ nhiệm.

 

Khởi đầu chỉ với 13 khung dệt và 8 xã viên, HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn hoạt động cầm chừng nhờ một số đơn hàng nhỏ lẻ. Những sản phẩm đầu tiên tuy còn vụng về và nhạt sắc nhưng ẩn chứa trọn vẹn tấm chân tình. Đúng như tên gọi, “Vọng Ngàn” là tiếng nói chung của những người yêu thổ cẩm Mường và dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục văn hoá thổ cẩm. Gửi gắm vào mỗi sợi vải, đường hoa là ý niệm an lành của người dệt hoài thương về một xã hội Mường truyền thống giàu bản sắc, đồng thời là tiếng vọng từ ngàn xưa vỗ về trái tim người dệt – những người biết trân trọng giá trị đích thực của văn hoá dân tộc Mường.

 

Sau hơn 2 năm hoạt động, HTX Dệt may thổ cẩm Vọng Ngàn dần tạo được sức hút đối với chị em phụ nữ sinh sống trên địa bàn thị trấn Mãn Đức. Không đơn thuần là một đơn vị kinh tế, HTX giờ đây đã trở thành mái nhà chung để 95 xã viên cùng nhau dệt nên một mơ ước: khôi phục những giá trị đích thực trong văn hoá thổ cẩm của Mường Bi xưa. Với 108 khung dệt hoạt động đều tay, xưởng dệt luôn sẵn sàng nguyên liệu để dệt may theo đơn đặt hàng, HTX Vọng Ngàn được đánh giá là một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của huyện Tân Lạc, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho xã viên và lao động thời vụ địa phương. Hiện, mức thu nhập của lao động dệt từ 600.000 đồng – 1.000.000 đồng/người/tháng, của lao động may từ 1.000.000 – 1.800.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn huy động hợp lý sức lao động của người già, người tàn tật và trẻ nhỏ, mang lại luồng sinh khí mới cho hàng trăm mái nhà của người Mường, huyện Tân Lạc.

 

Chủ nhiệm HTX Đinh Công Sằn khẳng định: “Sức mạnh tinh thần giúp HTX Vọng Ngàn hoạt động hiệu quả là tình yêu đối với thổ cẩm Mường và niềm khao khát được giới thiệu rộng rãi nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình đến với bạn bè trong nước. Tin rằng trong tương lai, sức mạnh đó sẽ tiếp sức cho HTX mở rộng quy mô hoạt động”./.

Theo baohoabinh online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video