Mạn đàm về AIDS với Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

01/12/2004
Tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS ở Quảng Ninh cách đây 3 năm, tôi có ấn tượng rất đẹp về hình ảnh bà Hà Thị Khiết -Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch UBQGVSTBPNVN- nước mắt rưng rưng ôm hôn, chia sẻ với một bà mẹ có 3 người con bị nhiễm HIV và chết do AIDS. Ngày 1-12 năm trước, trong thông điệp kêu gọi phụ nữ Việt Nam tham gia phòng chống AIDS, bà nói: "Chúng ta hãy nắm bàn tay của người nhiễm HIV/AIDS để cảm nhận, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh và thắp lên trong họ ngọn lửa muốn sống có ích...". Và "trước thềm" Ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12 năm nay, bà đã dành thời gian trao đổi với Tạp chí AIDS và Cộng đồng xung quanh vấn đề phòng chống AIDS của Hội.

P.V: Chào Chủ tịch, độc giả Tạp chí AIDS và Cộng đồng từng "rất quen" với những bức ảnh phóng viên chụp bà trong các Hội thảo về HIV/AIDS, hay những chuyến thăm hỏi người nhiễm, thân nhân người nhiễm của bà. Sự đăng tải "hơi bị... nhiều" hình ảnh của bà ở trên "Tạp chí AIDS" liệu có điều gì làm bà phật ý không?

 

Bà Hà Thị Khiết: (cười) ồ, vậy sao trong hàng trăm tờ báo, tạp chí, bạn lại vẫn gắn bó với "AIDS và Cộng đồng" nhỉ! Chúng mình là phụ nữ, mà tất cả những người phụ nữ trên trái đất này đều có một trái tim vị tha và nhân hậu. Khi tôi đến với cộng đồng, đến với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không phải chỉ là với cương vị một lãnh đạo Hội Phụ nữ, mà hơn thế, vì tôi cũng là một người vợ, người mẹ, người chị... Thực sự, hình ảnh và số phận của những người nhiễm HIV/AIDS mà tôi đã gặp qua những chuyến đi công tác cơ sở đã tác động mạnh mẽ đến tâmtư, tình cảm của tôi. Và đã có nhiều đêm, tôi trăn trở về những số phận bất hạnh ấy mà không sao chợp mắt được...

 

P.V: Vâng. Bởi vì chúng ta đều là nhưng "người trong cuộc" mà. Chắc bà đã nhận được thông tin về chủ đề chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu năm nay rồi chứ ạ?

 

Bà Hà Thị Khiết: Tất nhiên rồi, "Women - Girls - HIV/AIDS" ("Phụ nữ - Trẻ em gái và HIV/AIDS").

 

P.V: Bà có suy nghĩ gì về thông điệp này?

 

Bà Hà Thị Khiết: Bạn, tôi và tất cả chúng ta đều biết rất rõ rằng mỗi gia đình đều có thể đứng trước nguy cơ mất cha, mẹ, hoặc con cái do HIV/AIDS. Đại dịch không chỉ đe doạ phá vỡ cấu trúc gia đình, gây mất ổn định trong cộng đồng mà hơn thế, nó còn ảnh hưởng tới sự phát triển của những thế hệ kế tiếp.

 

ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm về phụ nữ và trẻ em. Họ là nhóm người tổn thương rất nặng nề (như sự đau khổ, sự mất mát, sự kỳ thị do AIDS...). Khi "trong nhà có AIDS" thì không ai khác, chính phụ nữ và trẻ em gái sẽ phải gánh vác những trách nhiệm chăm sóc chồng, con, anh chị em và bản thân mình. Vì thế, đương nhiên họ phải lao động cật lực để kiếm sống và nuôi gia đình. Trẻ em có cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS sẽ là những đứa trẻ mồ côi trong ngày một, ngày hai. Điều này dẫn đến nguy cơ hoặc chúng sẽ mất đi quyền của trẻ em, hoặc chúng bị bỏ rơi, hoặc bị xô đẩy vào những tệ nạn xã hội. Mỗi năm Liên hợp quốc đều đưa ra những chủ đề phòng chống AIDS. Chúng ta đã có thông điệp như "Nam giới là người bảo vệ gia đình trước hiểm hoạ AIDS", "Vượt qua rào cản phân biệt đối xử với người nhiễm"... Và thông điệp năm nay đã thể hiện sự quan tâm đến phụ nữ và trẻ em gái -những người dễ cảm nhiễm nhất với HIV/AIDS .

 

P.V: Là một thành viên của Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm, đứng trước đại dịch AIDS, Hội Phụ nữ đã và sẽ có đóng góp gì trong công cuộc phòng chống AIDS nói chung và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái nói riêng?

 

Bà Hà Thị Khiết: Như bạn biết đấy, ngay từ những ngày đều khi HIV/AIDS được phát hiện ở Việt Nam, Hội chúng tôi đã rất hăng hái trong công tác phòng chống AIDS nói chung, bảo vệ phụ nữ khỏi lây nhiễm nói riêng. Một cách "hình ảnh" thì công cuộc phòng chống HIV/AIDS cần có sự góp sức của phụ nữ cũng như gia đình không thể thiếu bàn tay chăm lo của người vợ, người mẹ vậy. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội nên chúng tôi đã tập trung nâng cao nhận thức, kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các tầng lớp phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; chú trọng truyền thông tới nhóm phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm cao, nhóm phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng dịch đang phát triển; trang bị kiến thức, kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ. Đồng thời tăng cường các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo nhằm hỗ trợ phụ nữ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý, mại dâm, buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em... Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc...

 

P.V: Cụ thể thì Hội đã hành động như thế nào?

 

Bà Hà Thị Khiết: Để thực hiện tốt nội dung trên, ngoài việc chỉ đạo thực hiện theo ngành dọc, Hội đã chủ động kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể để cùng tham gia. Nhằm truyền tải thông tin về HIV/AIDS được rộng rãi, chúng tôi rất coi trọng việc truyền thông trên thệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương cũng như của Hội (như Đài THVN, Đài TNVN, Tạp chí AIDS và cộng đồng, Báo Phụ nữ...). Tổ chứ mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, biểu diễn văn nghệ nhân các tháng chiến dịch truyền thông hoặc Ngày thế giới phòng chống AIDS. Lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các buổi sinh hoạt nhóm, tổ phụ nữ thường kỳ. Tiếp cận và giáo dục nhóm phụ nữ làm việc trong nhà hàng, khách sạn, dịch vụ làm đẹp. Mở các lớp tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ phụ nữ chuyên làm tuyên truyền viên, tư vấn viên về HIV/AIDS. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hoạt động phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả (như Đội văn nghệ xung kích phòng chống HIV/AIDS, Câu lạc bộ đồng cảm, Tư vấn qua điện thoại, Giáo dục tuổi vị thành niên và trẻ em gái lang thang). Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, vận động các nhà lãnh đạo quan tâm tới vấn đề giới và HIV/AIDS.

 

P.V: Song chắc là còn nhiều khó khăn, bất cập lắm phải không ạ?

 

Bà Hà Thị Khiết: (cười) Vâng, mặc dù chúng tôi luôn cố gắng hết mình song hoạt động phòng chống AIDS của Hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhóm chị em ở cùng sâu vùng xa và nhóm có nguy cơ cao. Thực trạng thiếu việc làm, tệ nạn ma tuý, mại dâm tăng, việc thực hiện hành vi an toàn ở mức thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS của Hội. Đội ngũ cán bộ Hội tuy đã được đào tạo nhưng kiến thức chưa sâu, kỹ năng tư vấn còn hạn chế, không đồng đều giữa các vùng, miền... Một số mô hình phòng chống AIDS hoạt động có hiệu quả song chưa thể nhân rộng vì kinh phí còn mỏng. Tài liệu truyền thông chung cho phụ nữ hiện có quá ít, chứ chưa nói gì đến tài liệu riêng cho từng nhóm đặc thù...

 

P.V: Bà có thể cho biết những định hướng hoạt động trong thời gian tới của Hội với công tác phòng chống HIV/AIDS?

 

Bà Hà Thị Khiết: Cuộc chiến chống AIDS khá gian nan và trường kỳ. Trong thời gian tới, trước mắt, Hội vẫn tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống AIDS ; chú trọng truyền thông chiều sâu theo phương châm; phòng ngừa, ưu tiên nhóm nguy cơ cao. Giáo dục hành vi tình dục an toàn; khuyến khích và kêu gọi tình thương, lòng nhân ái, bao dung đối với người nhiễm. Hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS hoà nhập cộng đồng. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ Hội cơ sở về công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm tự nguyện phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tăng thu nhập, tạo việc làm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Duy trì và phát triển các mô hình hoạt đọng hiệu quả, chú trọng mô hình giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS. Đa dạng hoá các hoạt động truyền thông về giới và HIV/AIDS. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ...

 

P.V: Rất cảm ơn lòng nhiệt tình bà đã dành cho chúng tôi! "Phụ nữ - Trẻ em gái và HIV/AIDS", chúng ta sẽ luôn nhớ đến thông điệp này để cùng nhau hành động. Mong rằng Hội sẽ mãi mãi giữ vững danh hiệu "lá cờ đầu" trên "trận tuyến' phòng chống HIV/AIDS.

Hoàng Kim Dịu - Tạp chí AIDS và Cộng đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video