Mất cân bằng giới tính khi sinh: cả nam và nữ đều thiệt thòi

31/10/2010
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vừa công bố báo cáo “Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Bằng chứng từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009”. Báo cáo tiếp tục cảnh báo tình trạng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam đang ở mức báo động và sẽ gây nhiều hệ lụy trong tương lai.

Đẻ nhiều tỷ lệ thuận với mức sống cao, học vấn cao

Ở Việt Nam, các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, sự thay đổi về TSGTKS bắt đầu từ sau năm 1999. Năm 2000, TSGTKS vẫn nằm trong giới hạn bình thường (mức 106 bé trai trên 100 bé gái). Nhưng chỉ 9 năm sau, tỷ số này đã nhanh chóng tăng lên mức 111 bé trai trên 100 bé gái. Dự báo với tốc độ gia tăng như hiện nay, TSGTKS sẽ vượt ngưỡng 115/100 trong 3 năm tới.

Không những tăng lên trong những năm gần đây, thông qua nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, xuất hiện mối liên hệ phức tạp giữa TSGTKS với các yếu tố khác. Theo ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, sự phức tạp của tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ biểu hiện sự khác nhau giữa các vùng địa lý mà nó còn phụ thuộc vào các đặc điểm về kinh tế - xã hội với một loạt các yếu tố như nhóm xã hội, trình độ học vấn của người mẹ, thứ tự đứa con sinh ra trong gia đình.

Khi xem xét ở cấp vùng thì TSGTKS ở thành thị lại có sự khác biệt rõ rệt so với nông thôn. Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, TSGTKS ở nông thôn cao hơn thành thị khoảng 5%. Các vùng còn lại là trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thì tỷ số này ở thành thị cao hơn nông thôn từ 2% đến 5%.

Các tỉnh có TSGTKS rất cao, được gọi là tỉnh “nóng”, tập trung quanh đồng bằng sông Hồng; các tỉnh có tỷ số thấp nằm ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ số này thấp nhất ở Hà Giang (104) và cao nhất ở Hưng Yên (124). Những phát hiện trên đã chỉ ra tính chất phức tạp về khía cạnh xã hội của hiện tượng này.

Về mối liên hệ giữa TSGTKS và các yếu tố thuộc đặc điểm kinh tế xã hội như nhóm xã hội, trình độ học vấn của người mẹ, thứ tự đứa con sinh ra trong gia đình cũng có những điểm rất đáng chú ý. Các gia đình có mức sống từ trung bình đến rất giàu có TSGTKS cao (khoảng 112).

Thêm một phát hiện thú vị là trình độ học vấn của người mẹ tỷ lệ thuận với TSGTKS. Cụ thể, chỉ số này là 107,1 ở người mẹ có trình độ học vấn mức tiểu học; 111,4 ở người mẹ có trình độ học vấn đến bậc trung học phổ thông và 114 tương đương với người mẹ có trình độ học vấn mức đại học và sau đại học.

Nghiên cứu còn cho biết thông tin về sự khác biệt TSGTKS theo thứ tự sinh. Theo đó, TSGTKS đạt mức cao ở lần sinh thứ nhất (110,2), giảm ở lần sinh thứ hai (109) và tăng cao ở lần sinh thứ ba (115,5) trong khi đó ở các nước khác thì tỷ số này tăng lên theo các lần sinh. Về hiện tượng này, ông Campbell cho rằng ở Việt Nam, TSGTKS cao ở lần thứ nhất và thứ ba do áp lực có con trai.

Năm 2035: 10% nam giới ế vợ

Đến năm 2035, dự đoán mức dư thừa nam giới trưởng thành chiếm 10% tổng số nam giới và thậm chí còn cao hơn nếu TSGTKS không trở lại mức bình thường trong những năm tới. Ngoài ra, nếu sự chênh lệch ngày càng cao dẫn đến phụ nữ ngày càng kết hôn sớm, ảnh hưởng đến học hành, tạo dựng sự nghiệp và có thể sẽ làm gia tăng nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và các ảnh hưởng tiêu cực khác, ông Campbell cho biết.

Lý giải hiện tượng này, UNFPA cho rằng nguyên nhân đầu tiên của nhu cầu sự lựa chọn giới tính trước khi sinh đó là tâm lý ưa thích con trai để nối dõi, chăm sóc bố mẹ khi về già vẫn còn tồn tại cố hữu trong xã hội Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là bất chấp các quy định pháp luật về cấm siêu âm với mục đích lựa chọn giới tính nhưng thực tế phần lớn các cơ sở y tế đều thực hiện chẩn đoán này. Nguyên nhân cuối cùng được đề cập đến đó là do áp lực từ mức sinh thấp, đồng nghĩa với tăng nguy cơ không có con trai.

Để giải quyết tình trạng báo động này, theo ông Campbell: “Phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp can thiệp. Hơn nữa, biện pháp nào thì cũng phải mất thời gian để có thể thay đổi hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng dân cư. Công việc này đòi hỏi phải có thêm số liệu thống kê và phân tích thông tin thống kê về xu hướng tỷ số giới tính khi sinh thì mới giám sát được việc triển khai các chính sách và chương trình can thiệp”.

Theo Hương Nhung - Báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video