Mất cân bằng giới tính khi sinh: Thế hệ sau có thể phải trả giá

30/12/2010
Đây là nhận định của TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ, nhân Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Các nhà khoa học đã tính toán, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,4 - 4,3 triệu nữ giới và điều này cũng đồng nghĩa với khoảng chừng đó nam giới nước ta không có cơ hội lấy vợ người Việt Nam.

Theo tự nhiên, tỉ số giới tính khi sinh sẽ nằm trong khoảng 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái, tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, tỉ số này ở Việt Nam luôn ở mức cao đáng báo động. Bắt đầu từ năm 1999, dân số Việt Nam có dấu hiệu bất thường với tỉ số giới tính khi sinh là 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, tỉ số này luôn ở mức 110-112/100. Thậm chí, nhiều tỉnh/thành có mức chênh lệch giới tính khi sinh rất cao: Hưng yên (130,7/100), Hải Dương (120/100), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… Cá biệt tại một số huyện của các tỉnh này, mức chêch lệch giới tính khi sinh còn vượt quá 130 trẻ trai/100 trẻ gái như huyện Lục Nam (Bắc Giang) là 135/100 và huyện Yên Thế là 131/100.


Các chuyên gia và các nhà nhân khẩu học dự báo, nếu can thiệp và khống chế thì tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam sẽ đạt tới 115 nam/100 nữ vào năm 2020.


Đáng lo ngại, việc lựa chọn giới tính thai nhi diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng và phần lớn thuộc nhóm gia đình khá giả. Một nghiên cứu được công bố mới đây của UNFPA cho thấy, nhóm dân số nghèo nhất thường có tỉ số giới tính khi sinh rất gần với mức bình thường là 105/100, trong khi đó với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112/100. Kết quả của nghiên cứu này còn cho thấy, trình độ học vấn của người mẹ quan hệ tương hỗ chặt chẽ với tỉ số giới tính khi sinh. Cụ thể, ở nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì tỉ số giới tính khi sinh là 107,1/100, còn ở nhóm trung học phổ thông và học nghề lên đến 111,4/100, ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9/100. Bên cạnh đó, các phụ nữ đã học hơn 10 năm phổ thông thường có tỉ lệ sinh con trai cao nhất.


TS Dương Quốc Trọng cũng cho rằng, sự chênh lệch giới khi sinh thường xảy ra ở những nơi mà người dân ham muốn sinh con trai và có điều kiện thực hiện lựa chon giới tính thai nhi bằng máy móc, thiết bị y tế hiện đại. Qua 3 đợt thanh kiểm tra gần đây, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã phát hiện và xử lý 4 cơ sở chuẩn đoán giới tính thai nhi và hơn 40 đầu sách hướng dẫn tạo giới tính thai nhi.


Theo các nhà nhân khẩu học, việc lựa chọn giới tính thai nhi sẽ gây nguy hại cho cơ cấu dân số, dẫn đến bất ổn trong xã hội. Hậu quả của việc chênh lệch giới tính được cảnh báo làm sự gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm bạn tình và vấn đề hôn nhân. Nhiều nam giới phải kết hôn sớm hoặc phải hoãn cưới xin, thậm chí rơi vào tình trạng sống độc thân. Bên cạnh đó sẽ gia tăng tội phạm liên quan đến tình dục, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm cũng tăng…


Dựa trên phân tích những số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nghiên cứu của UNFPA đã cho thấy, ảnh hưởng nhân khẩu học của tỉ số giới tính khi sinh trong tương lai với những “kịch bản” khác nhau có thể xảy ra: Trong trường hợp “không can thiệp”, tỉ số giới tính khi sinh toàn quốc sẽ lên đến 115 vào năm 2015. Trong tình huống giả định có các chương trình và chính sách can thiệp mạnh mẽ để giải quyết sự mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh, làm sao lùi thời điểm tỉ số giới tính khi sinh là 115 từ năm 2015 đến tận năm 2020, sau đó quay lại tỉ số cân bằng sinh học vào năm 2030…


Tuy nhiên, theo TS Christophe Guilmoto, tác giả của công trình nghiên cứu, dù “kịch bản” nào xảy ra, cho đến năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất vẫn là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về cơ cấu xã hội và những thay đổi về chuẩn mực văn hóa cũng như lề lối xã hội, đặc biệt là cơ hội tìm bạn đời của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến phụ nữ sẽ kết hôn sớm, ảnh hưởng đến học hành. Ngoài ra, có thể sẽ gia tăng mại dâm, buôn bán phụ nữ và các ảnh hưởng tiêu cực khác…


Vấn đề nhức nhối của nhiều nước Châu Á


Theo các nguồn số liệu của Liên hợp quốc, các nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,.. bị mất cân bằng giới tính khi sinh rất nghiêm trọng trong những năm 2000-2005. Hiện tỉ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc đang ở mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Hàn Quốc 110 trẻ trai/100 trẻ gái và Ấn Độ khoảng 112 trẻ trai/100 trẻ gái…


Để “đối phó” với vấn đề mất cân bằng giới tính do lựa chọn giới tính thai nhi, các nước này đã đề ra nhiều chính sách: Luật: “Những kỹ thuật chuẩn đoán trước sinh” cấm việc lựa chọn giới tính bởi bất cứ ai, bất cứ phương tiện nào trước hoặc sau khi thụ thai; chính sách tiền thưởng cho tất cả các vợ chồng sinh con gái; xây nhà miễn phí cho những hộ chỉ có 1 hoặc 2 con gái… Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn đang là một vấn đề nhức nhối ở các nước này. Một nghiên cứu khoa học của Học viên Khoa học Xã hội Trung Quốc đã ước tính đến năm 2020, hơn 24 triệu đàn ông Trung Quốc đang vào tuổi lập gia đình có thể sẽ bị “ế vợ”. Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan… đang là những nước “nhập khẩu” cô dâu nổi tiếng trong khu vực.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam, số 154 ra ngày 24/12/2010 (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video