Mẹ ơi, con không muốn làm việc nhà!

26/08/2012
Hầu hết trẻ con lười làm việc nhà. Chúng sẽ nghĩ ra đủ cớ để thoái thác “trọng trách”: “con bị đau bụng”, “con mệt lắm”, “con còn bé mà”... Dưới đây là những bí quyết để bạn thu hút con mình vào việc nhà!

Với nhiều bố mẹ, sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu tự mình làm việc. Nếu bạn nằm trong số đó, đây là bài viết dành cho bạn!

Sử dụng việc nhà để dạy kỹ năng sống

Khi các bé làm việc nhà, chúng học cách nhận trách nhiệm. Chúng sẽ học được rằng cuộc sống đòi hỏi phải làm việc. Với những đứa trẻ, làm việc nhà không chỉ là giúp đỡ cha mẹ, đó còn là những bài học cơ bản về kỹ năng sống. Bằng cách rửa  bát đĩa, lau kính hay gấp quần áo, bọn trẻ có thể học cách thế giới vận hành.

Đặt ra thời gian cố định

Hãy dành ra thời gian nhất định mỗi tuần để dọn dẹp nhà cửa, chẳng hạn như từ 8 đến 10 giờ sáng thứ 7, như vậy bạn không cần phải kêu gọi ầm ĩ hay cãi nhau về thời gian dọn nhà. Việc cả gia đình cùng làm việc một thời gian cũng có ích. Bọn trẻ sẽ biết rằng vào sáng thứ 7, cả nhà phải dọn nhà.

Giao việc phù hợp độ tuổi

Lựa chọn công việc phù hợp độ tuổi và giao việc rõ ràng sẽ khiến việc này dễ dàng hơn cho cả nhà. Trẻ 4-7 tuổi có thể dọn dẹp đồ chơi, giúp dọn bàn ăn, dọn tạp chí, sách báo… Các bé lớn hơn có thể giúp nhặt rau, rửa bát đĩa, lau dọn nhà tắm…  

Cá nhân hóa nhiệm vụ

Cho các con tự dọn phòng mình, chịu trách nhiệm về cất, dọn đồ dùng cá nhân… là điều rất quan trọng vì điều này sẽ dạy con khả năng tự chăm sóc bản thân. Khi con phải tự dọn phòng, con sẽ giữ cho phòng sạch sẽ, gọn gàng, không vứt đồ bừa bãi. 

Lịch phân công công việc

Có những công việc cần thực hiện mỗi ngày. Một số việc khác chỉ cần tuần/ lần. Hãy làm một bảng phân công về công việc mỗi ngày và cả tuần mà các con phải thực hiện. Dán bảng lên tủ lạnh, bố mẹ cũng như các con dễ dàng theo dõi và thực hiện.

Đừng đỏi hỏi quá cao

Bạn không thể đòi hỏi con mình quét nhà sạch không một chút bụi hay gấp quần áo phẳng phiu như người lớn. Khi giao việc cho con, bạn hãy nới lỏng những tiêu chuẩn của mình, đặc biệt với các bé ít tuổi. Nếu con gái bạn biết rằng bạn gấp lại chăn màn trong phòng của con, cô bé sẽ giận dỗi, để mặc mẹ làm. Hãy khen ngợi khi con hoàn thành công việc sẽ khiến bé tự tin hơn, làm việc tốt hơn trong tương lai.

Khi con than vãn về một việc nào đó

Một  số bố mẹ thực hiện chiến lược thêm việc nếu trẻ than vãn về công việc. Nếu con bạn rên rỉ hay than phiền về một việc nào đó, hãy giao thêm một việc khác. Các con sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng than vãn chẳng được gì, chỉ thêm mệt.

Lắng nghe con bạn

Bỏ qua những lời than vãn không có nghĩa rằng bạn “giả điếc” với con mình. Nếu con bạn kêu: “Nó quá khó với con”, bạn nên nói: “Được, để mẹ giúp một tay!”. Bé vẫn thực hiện công việc của mình, nhưng với sự hỗ trợ của bạn. Điều này hàm nghĩ rằng khi bạn cùng tham gia, bé sẽ không coi công việc là quá sức hay hình phạt.

Khi con gái 9 tuổi của bạn kêu ca bé không biết rán trứng, đây là cơ hội để bạn dạy bé thêm một kỹ năng mới. Sau vài lần than vãn, bé sẽ biết tự mình nấu món đó. 

Theo Đời sống gia đình (PHD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video