Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập

22/02/2008
Đồng chí Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ kiên cường của mảnh đất thành đồng Tổ quốc, Người Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cống hiến trọn vẹn cả đời mình vì sự nghiệp cách mạng.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Trang web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đôi nét về cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của mẹ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập (tên thật Là Nguyễn Thị Ngọc Tốt), sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tham gia cách mạng năm 1929 và đến năm 1931, đồng chí được vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Sài Gòn.

Tháng 4/1935, đồng chí được bầu vào xứ uỷ Nam Kỳ. Tháng 5 năm ấy, đồng chí bị địch bắt kết án tù. Ngay sau khi hết hạn tù, đồng chí lại bí mật về quê, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1938, sau cuộc lãnh đạo nông dân biểu tình chống thuế ở xã Long Hưng, đồng chí Nguyễn Thị Thập lại bị bắt giam nhưng lần này đã được hàng nghìn đồng bào Long Hưng, Long Định kéo tới giải thoát.

Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, dù đã gần đến ngày sinh nở, đồng chí vẫn thắt khăn nịt bụng, chỉ huy dân quân, đồng bào trương cờ, biểu ngữ, xông vào cướp đồn Tam Hiệp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, chồng bà - một chiến sĩ cộng sản bị địch bắt giam ngoài Côn Đảo từ năm 1930, lại bị đích bắt và xử tử hình. Chồng mất, các con còn trứng nước (con trai đầu 11 tuổi, con gái thứ hai lên 2 tuổi và con trai út mới 8 ngày tuổi), đồng chí đành gửi các con lại nhờ người nuôi, tiếp tục cùng các đảng viên còn lại hoạt động bí mật, gây dựng lại cơ sở.

Năm 1954, sau bao năm xa cách, mẹ con đồng chí mới được đoàn tụ bên nhau. Thế nhưng, nỗi đau lại ập tới, tháng 5-1954, người con trai cả - một xã đội trưởng liên xã Long Hưng-Long Hòa đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của giặc. Người con trai thứ hai được chọn sang học chuyên ngành điện ảnh ở CHDC Đức. Tốt nghiệp về nước được ít lâu, anh xin mẹ vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ và anh dũng ngã xuống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng như người cha và anh trai mình.

Cả cuộc đời cống hiến cho cuộc đấu tranh cách mạng, hiến dâng cho Tổ quốc chồng và hai người con trai, song trong hồi ký “Qua những chặng đường”, đồng chí đã viết thật giản dị: “Trong chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới là đế quốc Mỹ, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát hy sinh, để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Gia đình tôi cũng trong hoàn cảnh ấy”.

Suốt 9 năm kháng chiến, đồng chí được Đảng chỉ định là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam Bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của dân tộc (1956-1974). Trên cương vị của mình, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ nữ, và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để cho ra đời các phong trào lớn, trong đó nổi bật là “Ba đảm đang”. Phong trào “Ba đảm đang” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đã tập hợp được rộng khắp các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia, bảo đảm cho cuộc chiến đấu ở miền Nam “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Phong trào “Ba đảm đang” cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên đã xây dựng cơ sở vững chắc cho hậu phương lớn, dốc lực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đồng chí còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Đồng chí Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ kiên cường của mảnh đất thành đồng Tổ quốc - đã được tặng thưởng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam - Huân chương Sao Vàng, và được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí lại bắt tay vào công việc tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Việt Nam trước khi được trở về miền Nam nghỉ hưu.

Gần 60 năm tham gia cách mạng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, nhưng đồng chí luôn khắc phục và vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, cả những bi kịch riêng tư để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của đồng chí đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Sau khi đã cống hiến trọncuộc đời mình cho Tổ quốc, đồng chí mất ngày 19-3-1996 tại TP Hồ Chí Minh và được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, cạnh mộ chồng./.

Trung tâm Thông tin
(Tổng hợp theo cuốn “Ơn chị” của Sở VHTT, Hội VHNT tỉnh Tiền Giang, Báo QĐND, Báo Bình Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video