Meghalaya - thế giới của phái nữ

16/04/2007
Meghalaya có 5 triệu dân sinh sống và từ hơn 2300 năm nay, xã hội đã giao phó mọi trách nhiệm lên đôi vai người phụ nữ. Những trọng trách lại được truyền từ người mẹ sang những cô con gái. Vì thế người ta đã gọi Meghalaya là "Bộ tộc mẫu hệ".

Theo điều tra của Cơ quan y tế - gia đình quốc gia Ấn Độ, có tới 73% các cặp vợ chồng Ấn Độ thích có con trai. Ở Ấn Độ, con gái bị coi như một gánh nặng, do đó, các ca nạo phá thai mang giới tính nữ diễn ra thường xuyên và tăng lên từng ngày ở nước này.

 

Tuy nhiên, ở bang Meghalaya, một vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, nằm về phía Đông Bắc đất nước, những ông bố bà mẹ luôn "cầu trời khấn phật" để có một cô con gái thay vì mong muốn sinh được một cậu con trai. Lý do rất đơn giản, tại đây những người phụ nữ nắm mọi quyền hành, quyền sở hữu và quyền quyết định các vấn đề. Trong mỗi gia đình, người phụ nữ phải đi làm kiếm tiền còn nam giới ở nhà chăm sóc con cái.

 

Lakshmi, người mẹ trẻ có 3 đứa con nhỏ sống ở Shillong, thủ phủ của bang Meghalaya, được mệnh danh là "nữ hoàng kinh doanh". Cô đã kiếm được rất nhiều tiền khi bán đồ thủ công cho khách du lịch. Cô tự tay làm các sản phẩm trang trí tinh xảo, từ những chiếc hộp gỗ được trạm trổ tinh tế đến những đồ trang sức hình con vật... Cô nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của du khách.

 

Khi được hỏi làm thế nào để có thể vừa làm và bán những đồ thủ công vừa chăm sóc 3 con nhỏ đang đến tuổi cắp sách đến trường, cô trả lời ngay: "Chồng tôi chăm sóc lũ trẻ. Không có vấn đề gì cả. Anh ấy cũng giúp tôi đẽo gọt các đồ vật sau khi làm xong việc nhà và cho bọn trẻ đi ngủ".

 

Một phụ nữ kinh doanh tạp chí Marie-Claire tâm sự: "Chúng tôi đáng yêu hơn và quan trọng là chúng tôi có năng lực thương mại hơn. Đàn ông, họ dễ dàng nổi nóng và thế là chẳng giải quyết được gì hết". Còn đối với Revathty, một phụ nữ cũng làm nghề buôn bán thì: "Tôi thích làm công việc này hơn là ở nhà chăm sóc 4 đứa nhỏ. Đó là cách mà tôi có thể giao du với mọi người. Chồng tôi chăm sóc con cái rất tốt. Vậy thì tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa?".

 

Đúng thế, Meghalaya là thế giới của phụ nữ. Người phụ nữ Meghalayan thống trị cuộc sống gia đình, quyết định mọi vấn đề khác có liên quan, bao gồm việc chọn trường cho con, các khoản chi tiêu hay những vấn đề đơn giản như đi thăm một ngôi làng lân cận. 

 

Trong ngân hàng, bệnh viện haytrường học... phụ nữ luôn ở vị trí "đứng mũi chịu sào". Còn đàn ông thường đi chơi thong dong dọc các con đường, tụ tập chơi bài hay ẵm đứa con nhỏ trong tay và dắt theo một đứa bé khác đến trường.

 

Đàn ông Meghalaya đã vui vẻ chấp nhận "số phận" của mình cho tới cách đây 11 năm, khi toàn vùng được lắp truyền hình vệ tinh. Các bộ phim của Bollywood, văn hóa gia trưởng của các vùng khác trên toàn Ấn Độ xuất hiện trên truyền hình đã gây ra sự xáo trộn lớn trong tư tưởng của cánh mày râu.

 

Từ đó, bắt đầu xuất hiện các tổ chức, các phong trào nam quyền. "Thật bất công khi mà phụ nữ có mọi sức mạnh, quyền lực. Còn chúng tôi, những người đàn ông chẳng có gì hết". Phát ngôn viên của một nhóm "Symbai Rimbai Tong hai" vì tự do nam giới đã phàn nàn với tờ Sunday Observer như vậy. Ông nói thêm: "Chúng tôi không có vai trò gì. Bọn trẻ cũng coi trọng những người mẹ hơn là những ông bố. Một vài người bạn của tôi đã bắt đầu uống rượu và dùng các chất gây nghiện vì họ cảm thấy thất vọng, cảm thấy bị tước đoạt mọi thứ".

 

Nhưng những người đàn ông Meghalaya đang đụng phải "bức tường thành đối kháng" kiên cố, bởi không chỉ phụ nữ mà toàn xã hội đã đề ra những quy định "bất thành văn" này. Và dù thế nào chăng nữa thì Meghalaya sẽ tiếp tục là một trong những thành trì vững chắc của phái nữ, tồn tại giữa những bang lớn khác của Ấn Độ đang do nam giới thống trị.

Theo 20minutes

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video