Minh Hóa: nơi chị em giỏi vượt khó thoát nghèo

10/07/2020
Những năm qua, phong trào phụ nữ vượt khó tham gia phát triển kinh tế được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Minh Hóa, Quảng Bình phát động sâu rộng, qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đàn gà của gia đình chị Chị Đinh Thị Xinh ở thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa.

Trước kia, gia đình chị Chị Đinh Thị Xinh ở thôn Tân Xuân, xã Xuân Hóa thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng làm thuê quần quật quanh năm, thời gian rãnh rỗi lại quẩn quanh với mảnh vườn nhưng nguồn thu nhập không đáng kể, có năm đến mùa tựu trường của con cái, vợ chồng lại chật vật kinh tế, phải vay mượn anh em họ hàng để lo áo mới, sách mới cho con. Thấy trên đài báo đưa tin về những mô hình kinh tế vườn trại, chị Xinh mạnh dạn bàn với chồng thử đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt do xã và huyện hội tổ chức, đồng thời được Hội Phụ nữ tạo điều kiện vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị đã đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản. Mới đầu chỉ là 01 con lợn nái, đi thụ tinh nhân tạo, mỗi năm sinh sản được 01 - 02 lứa, trung bình chỉ được 15 con lợn thịt, nay chị đã phát triển được 05 con lợn nái, trong chuồng có thời điểm duy trì gần 100 con lợn thịt. Chị còn tận dụng đất vườn, làm hàng rào nuôi 400 con gà thịt, gia đình cũng nhân đàn được 08 con bò, trồng rừng kinh tế, từ năm 2018 đến nay chị thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng. Chị cũng được Hội Phụ nữ xã Xuân Hóa đánh giá là Chi hội trưởng luôn năng động sáng tạo nhiệt tình, tham gia các hoạt động, xây dựng Chi hội vững mạnh.

Cùng xã với chị Xinh, luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận xét là một điển hình về gương phụ nữ chủ động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn phát triển kinh tế, đó là chị Đinh Thị Hồng Quyên ở thôn Cầu Lợi 2. Trước khi có trang trại chăn nuôi, đất vườn chỉ để trồng sắn, trồng khoai, thậm chí có năm để cỏ mọc đầy vì khô hạn. Nhìn thấy họ đua nhau làm kinh tế, dù lúc đó hoàn cảnh gia đình khó khăn, vốn không có, chị Quyên vẫn quyết định bàn với chồng vay vốn thông qua Hội Phụ nữ đầu tư chăn nuôi, để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, chị chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, tham khảo các ý kiến tư vấn định hướng làm kinh tế từ các chị em khác và quyết tâm xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Giờ đây chị Quyên đã có trang trại chăn nuôi 15 con lợn nái, 130 con lợn thịt, 04 con bò, 100 con gà, 20 đàn ong và duy trì làm 03 sào ruộng, gia đình chị còn trồng 02 ha cây keo tràm. Với việc chăm chỉ, cần cù chịu khó chăm sóc cây trồng và vật nuôi, hàng năm mang lại thu nhập cho gia đình từ 200 triệu đồng - 250 triệu đồng/năm. Gia đình chị vươn lên thành hộ khá giàu của xã Xuân Hóa.

Đối với chị Trương Thị Linh ở thôn 4 Yên Thọ, xã Tân Hóa, chị là người tiên phong đi về vùng đất mới, vùng đất xã quy hoạch để thực hiện việc di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt. Mới đầu lên đây, là vùng đất hoang sơ, không điện, không nước, không trường. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước đối với khu dân cư mới, vợ chồng chị Linh quyết tâm lập nghiệp thành công trên vùng đất này. Căn nhà gỗ đơn sơ, con cái gửi nội ngoại chăm sóc, có năm chồng chị đi làm thuê trong Nam để gửi tiền về cho chị ở nhà đầu tư xây dựng chuồng trại. Năm chồng chị bị tai nạn gãy chân và chịu tàn tật vĩnh viễn là một cú sốc về tinh thần cũng như kinh tế đối với chị. Nhưng với bản lĩnh của một phụ nữ, chị gượng dậy, cùng động viên chồng đeo đuổi giấc mơ làm giàu và chị đã thành công, chị Linh trở thành tấm gương người phụ nữ giàu nghị lực. Nay chị đã có trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm mỗi năm từ 400 - 1.000 con gà, lợn nái, lợn thịt, ao cá, nuôi trâu bò, tổng thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Chị Linh cũng là mẫu người về chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, hiếu thảo với bố mẹ chồng trên 80 tuổi để chị em trong xóm noi theo.

Những điển hình trên chỉ là ba trong số hàng trăm mô hình kinh tế mang lại hiệu quả của chị em phụ nữ huyện miền núi Minh Hóa. Họ là những người bám đất, bám vườn, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và nắm bắt nhu cầu thị trường để tự mình vươn lên làm giàu, vừa có thêm thu nhập, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động và quan trọng nhất là thay đổi tư duy sản xuất cho nhiều phụ nữ vùng nông thôn.

Huyện Minh Hóa có hiện có trên 9.100 hội viên phụ nữ, năm năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững được triển khai có hiệu quả. Hội vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tổ chức thực hiện và tích cực hưởng ứng phong trào “Giúp phụ nữ nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Hàng năm nhận giúp 80% hộ nghèo, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, các chi hội nhận giúp 01 - 02 hộ nghèo có địa chỉ, mỗi xã giúp 02 hộ thoát nghèo bền vững; phối hợp mở các lớp dạy nghề, đào tạo nghề và tạo việc làm cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 938/CP của Chính phủ gắn với 02 chương trình trọng tâm của huyện về trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi, thành lập và duy trì có hiệu quả 72 mô hình tiết kiệm vay vốn thôn bản, hỗ trợ hàng trăm mô hình sinh kế, đến nay có trên 150 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Với những hoạt động của các cấp Hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tổ chức Hội còn 16,93%.

Bà Trương Thị Thanh Bê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho biết, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt việc ủy thác cho vay các nguồn vốn hộ nghèo để 100% hội viên phụ nữ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Bên cạnh đó, vận động xây dựng các nguồn vốn quỹ hội, vốn vay từ các tổ nhóm tiết kiệm, mô hình heo đất và các mạnh thường quân giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng các hình thức như trao phương tiện sinh kế, giúp nhau không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với các ban, ngành liên quan làm tốt công tác hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, có kế hoạch giúp cụ thể cho từng hộ phụ nữ nghèo để họ thoát nghèo một cách bền vững.

quangbinh.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video