Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4 và 123 năm Ngày quốc tế lao động 1-5

29/04/2009
Sáng 28-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm 34 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2009) và 123 năm Ngày quốc tế Lao động (1-5-1886 - 1-5-2009).
Ðến dự, có Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng; nhiều lãnh đạo Ðảng, Nhà nước qua các thời kỳ, các bậc lão thành cách mạng, đại  diện  các  bộ,  ban,ngành và đoàn thể ở Trung ương. Về phía TP Hà Nội, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.


Sau chương trình ca múa nhạc chào mừng lễ kỷ niệm, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đọc diễn văn nêu rõ: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ðó là biểu tượng sáng ngời, sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của con người Việt Nam. Mốc son 30-4-1975  mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, đất nước được thống nhất, nhân dân được tự do cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.


Năm 2009, cùng với cả nước, TP Hà Nội phải đối mặt nhiều khó khăn, như tình hình suy giảm kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Hậu quả của đợt mưa lũ cuối năm 2008 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. Thủ đô được mở rộng với quy mô diện tích, dân số tăng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiếu đồng bộ, khối lượng công việc nhiều... Trong bối cảnh đó, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng. Việc thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô được chỉ đạo tập trung, tổ chức, bộ máy và cán bộ đã sớm ổn định, chỉ đạo, điều hành thông suốt. Các nhiệm vụ chính trị được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tốt. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách được bảo đảm. Xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị có tiến bộ, hạ tầng đô thị được nâng cấp, hạ tầng nông thôn được cải thiện. Các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội được chỉ đạo thực hiện quyết liệt...


Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý và bền vững; làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-xã hội, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; bảo đảm an ninh trật tự, củng cố quốc phòng, mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế, chú trọng công tác xây dựng Ðảng, chính quyền và các đoàn thể. Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm mang hết trí tuệ, tài năng, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ hằng mong muốn, thiết thực hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.


Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiệu, đại diện tầng lớp cựu chiến binh Thủ đô phát biểu ý kiến ôn lại những ngày tháng hào hùng khi được trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 34 năm trước. Hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang người lính năm xưa, đóng góp sức lực xây dựng Thủ đô. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Mai Ðộng Trần Thị Huyền, đại diện tầng lớp công nhân lao động Thủ đô phát biểu ý kiến, thể hiện quyết tâm của thế hệ công nhân lao động trẻ của Thủ đô thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tri thức, cống hiến sức trẻ xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước.


* Chiều 28-4, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức giới thiệu về chương trình: Tự hào Ðiện Biên Phủ-Tự hào thanh niên Việt Nam. Theo đó, đây là chương trình của các cơ sở đoàn và tuổi trẻ Thủ đô hướng về kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, bao gồm nhiều hoạt động thiết thực khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động Hành trình về với Ðiện Biên. 55 cán bộ đoàn, hội, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu của Thủ đô tham gia hành trình này, xuất phát từ nhà riêng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại Ðiện Biên, Ðoàn đại biểu tuổi trẻ Thủ đô tổ chức khởi công xây dựng Nhà bán trú dân nuôi tặng thanh niên, thiếu niên tỉnh với tổng trị giá 220 triệu đồng; thăm, tặng quà, trao học bổng tặng các gia đình có công với nước, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ với tuổi trẻ Ðiện Biên, Sơn La...


* Nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, hướng tới kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Bác Hồ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tổ chức Triển lãm tư liệu, hiện vật về "Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Ðiện Biên Phủ".


Triển lãm mở cửa từ ngày 6-5 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Căng - Ðồn Nghĩa Lộ, với gần 100 hình ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.


* Thành đoàn, Hội Cựu TNXP TP Hà Nội, sáng 28-4, tổ chức gặp mặt, giao lưu các đại biểu cựu TNXP tham gia phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử. Tại đây, các cựu TNXP đã nghe Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội báo cáo những kết quả nổi bật của công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu niên Thủ đô những năm qua, đồng thời cùng ôn lại những ngày tháng chiến đấu, lao động hào hùng trên các nẻo đường Tây Bắc của Tổ quốc để phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Nhân dịp này, Thành đoàn, Hội Cựu TNXP thành phố trao quà tặng các cựu TNXP năm xưa.


* Ngày 28-4, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) họp báo giới thiệu hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với chủ đề Vang mãi bản anh hùng ca Ðiện Biên.


Ðợt tuyên truyền kỷ niệm diễn ra từ ngày 2 đến 9-5, tại bảy tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Ðiện Biên, Hòa Bình và Lào Cai. Tham gia có 24 tỉnh, thành phố với 24 đội tuyên truyền thông tin lưu động. Lễ khai mạc diễn ra tối 2-5 tại TP Thái Nguyên, mở đầu đợt tuyên truyền, tiếp theo là hai tỉnh Yên Bái, Sơn La. Ngày 7-5, các đoàn đến Ðiện Biên. Nội dung hoạt động của các đoàn gồm: Triển lãm hơn 4.000m2 tranh cổ động tấm lớn tại năm tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc: Ðiện Biên, Thái Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La; diễu hành xe tuyên truyền lưu động và các đội thông tin lưu động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại 17 điểm ở sáu tỉnh, thành phố.


* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm "Từ chiến thắng Ðiện Biên đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" từ ngày 29-4 tại Công viên Lam Sơn. Ðoàn Nghệ thuật Văn công - Xiếc của CHDC Nhân dân Lào biểu diễn tại Nhà hát thành phố tối 29-4. Tại Trung tâm tổ chức biểu diễn và Ðiện ảnh thành phố, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc cũng có nhiều chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân thành phố vào đêm 30-4 và 1-5.


* Hội tù chính trị yêu nước Quảng Trị vừa tổ chức buổi gặp mặt truyền thống các cựu tù chính trị từng bị địch bắt, giam giữ tại Côn Ðảo và các cựu tù chính trị tại xã Hải An, huyện Hải Lăng.


Tại buổi gặp mặt, các cựu tù chính trị đã cùng nhau ôn lại những năm tháng khốc liệt nhưng hào hùng, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù trong "địa ngục trần gian" Côn Ðảo và động viên nhau sống tốt, sống có ích, vượt qua những khó khăn trước mắt để giữ mãi khí phách anh hùng cách mạng, xứng đáng là những tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.


Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn 200 người con Quảng Trị đã bị địch bắt đày ra Côn Ðảo, trong đó có 10 đồng chí đã anh dũng hy sinh trong các nhà tù. Mặc dù bị giam cầm trong chốn "địa ngục trần gian", chịu mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ thù nhưng tất cả đều giữ vững ý chí kiên định và tấm lòng trung trinh của người Cộng sản, góp phần làm rạng rỡ truyền thống của quê hương. Nhân dịp này, các cựu tù chính trị đã cùng nhau đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm 526 đồng bào Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng bị tàn sát dã man năm 1948.


* Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: tổ chức đại hội khỏe Vì an ninh Tổ quốc với 375 vận động viên thuộc các đơn vị công an trong tỉnh; triển lãm chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Ðiện Biên Phủ tại khu di tích Căng - Ðồn, Nghĩa Lộ; hội thảo kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ gắn với bến Âu Lâu, đầu mối trọng điểm của đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ.


Tỉnh ủy tổ chức viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong tiêu biểu tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ và tham gia mở đường Hồ Chí Minh. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các đoàn cán bộ đại diện cho Ðảng bộ, chính quyền, CCB thăm di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, qua đó góp phần khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.


* Sáng 28-4, Thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm UNESCO giao lưu văn hóa quốc tế tổ chức triển lãm kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2009), 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2009) từ 28-4 đến 28-5. Với 800 đầu sách, 40 tờ báo, tạp chí và nhiều hình ảnh, phim tài liệu quý về Bác Hồ và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc ta, triển lãm cho thấy vai trò lãnh đạo của Ðảng, Bác Hồ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ý nghĩa to lớn của Ðại thắng lịch sử mùa Xuân 1975.


* Chiều 28-4, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tổ chức mít-tinh kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam và 55 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ, nêu rõ: Từ đơn vị tiền thân là Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đến các đơn vị Không quân, Ra-đa, Tên lửa được thành lập sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội PK-KQ đã chiến đấu và lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền bắc, làm nên trận Ðiện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.


Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ tổ chức trưng bày hơn 300 hiện vật, hình ảnh về "Bộ đội Pháo cao xạ Ðiện Biên" và phục dựng - tái hiện "Bữa cơm chiến sĩ Ðiện Biên" với 11 mâm, 26 món ăn, tại Bảo tàng Quân chủng ở Hà Nội.


* Sáng 28-4, tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, diễn ra lễ mở niêm phong kỷ vật của cán bộ đi Chiến trường B, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuyển giao cho Trung tâm trước sự chứng kiến của các cơ quan báo chí.


Theo Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia III Vũ Xuân Hưởng, đây là số kỷ vật bằng vàng của rất nhiều cán bộ gửi lại Ủy ban Thống nhất (bao gồm hàng trăm chiếc nhẫn, dây chuyền, bông tai..., được niêm phong trong hộp sắt số 10, có kẹp chì) trước khi đi vào chiến trường miền nam công tác. Ðược biết, Ủy ban Thống nhất của Chính phủ được thành lập trước năm 1975, để tiếp nhận và bảo quản những tài sản, kỷ vật của cán bộ, chiến sĩ trước khi vào chiến trường miền nam công tác. Một số trong những tài sản đó được tạm gửi tại kho tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video