Mít tinh trọng thể kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

06/02/2006
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham dự lễ mít tinh.

Sáng 2/2, Lễ mít tinh kỷ niệm lần thứ 76 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2006) được Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể tại Cung Văn hoá hữu nghị.


Tham dự lễ mít tinh có: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các uỷ viên Bộ Chính trị; Trung ương Đảng; các bậc lão thành cách mạng; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cùng hơn 1.000 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô.


Cách đây 76 năm, ngày 3/2, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lúc đó là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã họp bàn và quyết định hợp nhất thành một Đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Với sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập và thực sự trở thành người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của quá trình đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở Việt Nam, là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, là bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam.


Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cùng các đại biểu đã nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 76 năm qua, ôn lại những khó khăn gian khổ cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả của cách mạng, càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, càng hiểu thêm, tin yêu thêm và tự hào thêm về Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta.


Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam 76 năm qua, trong đó có thành tựu to lớn của 20 năm đổi mới, một lần nữa chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Cách mạng càng phát triển càng cần có sự lãnh đạo của Đảng ở tầm cao hơn, ở phạm vi rộng hơn, sâu sắc hơn. Càng đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế càng phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề có tính quy luật, là nhân tố bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, để có khả năng và điều kiện lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, làm tốt công tác xây dựng Đảng, coi đây là vấn đề then chốt, nhiệm vụ sống còn của cách mạng. Trong những năm đổi mới, Đảng ta đã đề ra được và từng bước bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đổi mới, hình thành ngày càng rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là kết quả của cả một quá trình tìm tòi, đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, nắm bắt được những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống. Đổi mới nhưng không xa rời nguyên tắc và phương pháp biện chứng duy vật, không phiến diện, cực đoan, hoặc giản đơn từ cực này chuyển sang cực kia. Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng đặc biệt coi trọng việc củng cố, nâng cao niềm tin, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý chí kiên định lý tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt; thường xuyên có kế hoạch tổ chức cho các cán bộ, đảng viên hoặc tập, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt. Trước mỗi bước ngoặt và trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng kịp thời có định hướng tư tưởng, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phê phán những quan điểm và khuynh hướng không đúng, tạo sự nhất trí cao và sự vững vàng về tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân; kiên quyết đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”.


Ông Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đảng yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào, cũng phải không ngừng tự rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, khắc phục các thói quan liêu, cửa quyền, giữ gìn thanh danh, uy tín của Đảng. Phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Các tổ chức đảng xây dựng quy chế và có biện pháp giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra, quản lý hoạt động của cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương những cán bộ, đảng viên gương mẫu, đồng thời xử lý nghiêm minh những người không còn đủ tư cách đảng viên. Tóm lại, phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết thống nhất cao, có đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tận tuỵ; gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, thiết thực. Đây là nhân tố quyết định bảo đảm cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.


Ông Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ Thủ đô, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể các cấp nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, mang hết sức người, sức của, trí tuệ, tài năng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thu Thuỷ
Đài Tiếng nói Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video