Mô hình câu lạc bộ "Giáo dục và đời sống"- nơi chia sẻ kinh nghiệm của chị em phụ nữ

08/08/2011
Hiện nay việc nuôi dạy, quản lý, chăm sóc con cái có điều kiện học tập vui chơi, giải trí ngày càng có những đòi hỏi cao hơn so với sự phát triển hiện đại của xã hội. Việc huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và cộng đồng hỗ trợ trẻ em học tập tích cực ở một số địa phương ở Quảng Ngãi thông qua mô hình sinh hoạt câu lạc bộ "Giáo dục và đời sống" (CLB GD&ĐS) đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Mô hình CLB GD&ĐS nhằm hỗ trợ các kỹ năng giáo dục trẻ em cho các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành viên. Mô hình có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục cho học sinh, giúp các em năng động, tích cực trong học tập, do Hội LHPN tỉnh triển khai cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của chương trình giáo dục VVOB.

 

Mô hình bắt đầu được triển khai thí điểm năm 2009 tại xã điểm Đức Thạnh (Mộ Đức) nhằm trang bị những kiến thức bổ ích và kỹ năng nuôi dạy, hỗ trợ con em học tập được tích cực. Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, từ CLB điểm ban đầu, Hội LHPN tỉnh đã nhân rộng mô hình sang 4 huyện, thành phố. Tính đến nay, đã có hơn 10 CLB GD&ĐS được xây dựng đã và đang sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

Nội dung sinh hoạt phong phú, bao quát nhiều chủ đề và kỹ năng nuôi dạy con như: Những điều kiện cần thiết tại gia đình để hỗ trợ cho việc học tập của trẻ; hỗ trợ con đặt mục tiêu, lập kế hoạch và thời khóa biểu hàng ngày; kỹ năng ứng phó với căng thẳng và cách giúp trẻ giảm áp lực trong các kỳ thi; bình đẳng giới trong giáo dục; tầm quan trọng của nhóm/làm việc phối hợp trong học tập và cách hỗ trợ trẻ trong các kỳ thi; tăng cường mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng...

Để triển khai mô hình, trong những năm qua Hội LHPN chủ động phối hợp với ngành giáo dục, Hội khuyến học, Đoàn thanh niên, Hội phụ huynh học sinh… tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển toàn diện của con em mình và có trách nhiệm tạo điều kiện nhiều hơn đến việc học tập theo hướng tích cực và có kế hoạch giúp đỡ trẻ em gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các cháu đến trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ…

 Là xã điểm đầu tiên triển khai mô hình, nhiều chị em phụ nữ vì nhu cầu cuộc sống, đi vào các tỉnh phía Nam để làm ăn, kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học. Chị em phải gửi con lại ở nhà cho ông bà chăm sóc, theo dõi, quản lý việc học hành. Chính vì vậy, nhiều trẻ đã hư hỏng, không nghe lời ông bà, tình trạng bỏ học, trộm cắp thường xuyên xảy ra... Đây cũng là thực tế chung ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, thông qua nguồn tài trợ của dự án VVOB, Hội LHPN tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn, truyền thông. Ban điều hành và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã phân công từng thành viên phụ trách, xây dựng kế hoạch hoạt động và đánh giá kết quả hàng tháng, tổ chức sinh hoạt theo các chủ đề. So với thời điểm trước chưa triển khai mô hình, nhiều bậc phụ huynh mải lo làm kinh tế, không quan tâm nhiều đến việc học hành của con, nhưng từ khi mô hình được triển khai, nhiều chị em phụ nữ tham gia vào CLB đã dần thay đổi suy nghĩ, quan tâm, tạo điều kiện đến việc học của con mình.

Vợ chồng chị Võ Thị Ngọc Ái ở thôn Phước Thịnh là một điển hình. Gia đình chị trước đây có tâm lý rất muốn sinh cho được đứa con trai để "nối dõi tông đường", thế nhưng, chị sinh liên tiếp 4 cô con gái, nên sinh tâm lý buồn chán. Khi tham gia sinh hoạt CLB, chị Ái đã dần xóa bỏ được quan niệm phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Được chị em trong Hội phụ nữ động viên, chị dần xóa bỏ mặc cảm và quyết tâm nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Chị Ái còn được chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi dạy, tìm hiểu tâm sinh lý của con để có những ứng xử, dạy bảo phù hợp. Nhờ vậy, đến nay cả 4 cô con gái của chị đều tiến bộ rõ rệt trong học tập, các con chị đều là những học sinh giỏi.

Trong 3 năm qua, để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã nhân rộng mô hình, tổ chức các lớp tập huấn tại tỉnh, 14 lớp tập huấn tại huyện và lớp tập huấn cho xã điểm, gần 500 cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở và một số ngành liên quan tham gia.

Tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Hội đã xây dựng được 180 cán bộ nòng cốt tại xã điểm và 4 huyện; tổ chức nhiều khoá tập huấn cho nhóm nòng cốt cấp huyện tại 4 huyện, thành phố về kỹ năng truyền thông, các hình thức sinh hoạt CLB và kỹ năng sống… cho gần 200 lượt cán bộ và triển khai các lớp tập huấn về hưởng ứng "Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" ở các địa phương triển khai mô hình… Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành cùng Phòng Giáo dục tại địa phương tổ chức hướng dẫn giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Trong 3 năm qua, hình thức sinh hoạt CLB GD&ĐS ngày càng phong phú hơn về nội dung, đã đi vào cuộc sống, làm cho mỗi phụ huynh nhận thức hơn và quan tâm hơn về giáo dục con cái theo hướng tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 91.005 hộ gia đình có góc học tập cho con, trong đó có hơn 12.000 hộ xây dựng thời gian biểu tại góc học tập.

Với sự thành công của mô hình, hy vọng trong thời gian tới, mô hình sẽ được Hội LHPN tỉnh nhân rộng ra các địa phương khác nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của toàn tỉnh.

Theo baoquangngai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video