Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học ở xã Cự Đồng

24/02/2009
Cự Đồng là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Toàn xã có 968 hộ với 4.278 nhân khẩu, hầu hết sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân còn nghèo đói. Năm 2008, Hội LHPN và Trung tâm khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” cho 10 hộ gia đình của xã Cự Đồng với quy mô 500 con gà giống.

Bước đầu khi tiếp cận với giống gà mới, chị em băn khoăn vì tập quán chăn nuôi cũ của địa phương thường nuôi các giống gà có sẵn, chưa hề có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, nuôi giống gà mới - gà thịt an toàn sinh học sacsor. Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo, hướng các cơ sở Hội triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình: Chuồng phải có mái lợp, rèm che; dụng cụ cho ăn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bằng vôi hoặc phun phoóc môn từ 3 - 5%; nền phải khô, sạch và có chất độn chuồng như trấu, bã bào. Khi nhận gà giống về không thả và không cho ăn ngay mà nhốt từ 7-10 ngày ở nơi râm mát, cho uống nước đường glucô với nồng độ 50g trong 1 lít nước sôi để nguội, sau đó cho gà ăn.

Qua 4 tháng thực hiện, việc chăn nuôi gà mới bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế hơn so với phương thức chăn thả cũ ở một số giai đoạn như: Thời gian đầu, gà sinh trưởng phất triển tốt, không bị bệnh nhờ được hỗ trợ thức ăn, thuốc phòng bệnh kịp thời; Từ 21 đến 90 ngày tuổi, trọng lượng gà đạt trung bình từ 2,2- 2,8 kg/con, sau khi trừ chi phí, lãi gần 20 000 đồng/con. Giống gà an toàn sinh học sacsor có chất lượng tốt, thịt thơm ngon, có khả năng đẻ trứng cao (từ 200 - 220 quả/gà/năm), và tiết kiệm được chi phí chăn nuôi nhờ tận dụng thức ăn sẵn có.

Hiện nay mô hình này đang được nhân rộng trong toàn xã và các xã lân cận trong tỉnh Phú Thọ, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia, góp phần giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình.

Ái Quy
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video