Mô hình CLB Nuôi con bằng sữa mẹ tỉnh Lào Cai - ngày càng phát huy hiệu quả

28/09/2012
Với những kiến thức bổ ích, thiết thực, cách tổ chức linh hoạt, sáng tạo, các CLB NCBSM thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và sự tham gia tích cực của các thành viên.

CLB NCBSM phường Bình Minh, Thống Nhất thành phố Lào Cai được thành lập với 55 thành viên trong độ tuổi sinh đẻ. Sau 2 kì sinh hoạt, CLB đã thu hút được thêm 5 thành viên mới. Với những kiến thức bổ ích, thiết thực, cách tổ chức linh hoạt, sáng tạo, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Quản lý dự án Hội LHPN tỉnh Lào Cai, TP Lào Cai và Hội LHPN và chính quyền địa phương, các CLB NCBSM nhận được sự chú ý của đông đảo người dân địa phương và sự tham gia tích cực của các thành viên. Tại mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên đều tham gia đông đủ, đạt tỷ lệ từ 95-97%.Thông qua việc chia nhóm phân vai theo từng tình huống, các thành viên thực sự hiểu, chia sẻ, nhiệt tình học hỏi và trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm của mình;hầu hết các thành viên đã nắm được các kiến thức truyền tải trong sinh hoạt chuyên đề, đó là “lợi ích của việc NCBSM, nguồn sữa mẹ được tạo thành như thế nào? bà mẹ cần cho bé bú thế nào để được tốt nhất cho mẹ và bé?”. Đặc biệt, nhiều thành viên còn đưa ra được những ý kiến rất hay, rất thực tế giải thích, áp dụng vào nội dung sinh hoạt, như trong buổi sinh hoạt chuyên đề 1, có tới 48% thành viên giải thích bầu vú to hay nhỏ không ảnh hưởng tới việc tạo sữa dựa theo “kinh nghiệm thực tế” của mình.

Việc tích cực tham gia sinh hoạt của các thành viên đem lại những kết quả khả quan. Trước mỗi buổi sinh hoạt, theo như khảo sát, số thành viên nhận thức đúng kiến thức chuyên đề đạt khoảng 67% thì sau khi sinh hoạt, tất cả các thành viên đều nhớ và nắm rõ những nội dung chủ yếu của buổi sinh hoạt (đạt mục tiêu mà các CLB đề ra). Theo đó, với những kiến thức đã tiếp nhận được, các thành viên trong CLB sẽ áp dụng vào bản thân, thực hiện đúng việc NCBSM đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về NCBSM trong cộng đồng.

Để việc sinh hoạt CLB NCBSM ngày càng hiệu quả hơn, phát huy được tính tích cực của các thành viên hơn nữa, CLB NCBSM phường Bình Minh, phường Thống Nhất (TP Lào Cai) mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của Ban Quản lý dự án 3 cấp trong việc phối hợp quản lý, tổ chức hướng dẫn, định hướng các nội dung của buổi sinh hoạt cho các thành viên trong ban chủ nhiệm. Đồng thời, các thành viên mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí, nguồn lực, đặc biệt là tài liệu, tranh ảnh có liên quan đến nội dung sinh hoạt.

Cuộc đời và đức hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tỉnh Ninh Thuận có hàng ngàn người con ưu tú anh dũng hy sinh vì đất nước nở hoa độc lập, dân tộc kết trái tự do. Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho những người Mẹ cống hiến cho đất nước những người con thân yêu của mình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện hoàn thành tập sách Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Ninh Thuận, xuất bản tháng 7-2012.Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu bài viết:”Cuộc đời và đức hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam Anh hùng là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo” của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng- Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh và chân dung 192 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Ninh Thuận.

Ninh Thuận, mảnh đất cực Nam Trung Bộ nhiều khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi kiên trung, bất khuất trong các cuộc đấu tranh cách mạng giành tự do, độc lập và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa với những tên đất, tên người gắn với những chiến công hiển hách sẽ còn lưu mãi đến bao đời. Góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang đó là công sức, mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ cha, anh, trong đó không thể không nhắc đến công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng- Danh hiệu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dành tặng để ghi nhớ, tôn vinh các Mẹ.

Cũng như bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác, 192 Mẹ ở Ninh Thuận được khắc họa trong tập sách này đều toát lên vẻ đẹp sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ các đức tính anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang; thủy chung, chịu thương, chịu khó, yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc và một lòng tin tưởng son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Chính niềm tin mãnh liệt đó là động lực thôi thúc các Mẹ không quên nhọc nhằn, không hề tính toán thiệt hơn hay tỏ ra nuối tiếc bất cứ điều gì để ngày đêm âm thầm, lặng lẽ đóng góp công sức cho cách mạng, kể cả phải chấp nhận nỗi đau hy sinh những người thân yêu nhất với mong muốn góp phần sớm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; no ấm, hạnh phúc cho mọi người.

Chiến tranh đã đi qua, những vết tích của nó cũng đã phôi phai theo thời gian, nhưng vết thương lòng lại dai dẳng theo Mẹ đến hết cuối đời vì những người thân yêu nhất của Mẹ đã không bao giờ trở lại. Thử hỏi trên đời này có nỗi đau thương, mất mát nào hơn thế!

Những hy sinh thầm lặng của các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc và của quê hương Ninh Thuận anh hùng; cuộc đời cũng như sự đóng góp to lớn của các Mẹ vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước luôn là tấm gương soi sáng cho bao thế hệ phụ nữ học tập và noi theo. Để góp phần xoa dịu nỗi đau của Mẹ, những năm qua cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công cách mạng; đặc biệt là quan tâm chăm lo, phụng dưỡng chu đáo các Mẹ Việt Nam Anh hùng; đó không chỉ là ân tình sâu nặng mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các liệt sĩ nói chung và Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng. Ơn đền – nghĩa đáp, chúng ta mãi trân trọng, biết ơn, cầu mong và nguyện làm tất cả những gì có thể để các Mẹ có cuộc sống an nhàn trong suốt quãng đời còn lại, đồng thời sưởi ấm cho hương hồn các liệt sĩ và những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã khuất.

Tôi cho rằng, việc tái bản (có bổ sung, chỉnh sửa) tập sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Ninh Thuận đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm và là món quà mang nặng nghĩa tình mà Đảng bộ, nhân dân Ninh Thuận trân trọng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện còn sống; là nén nhang trầm thành kính mang theo bao lời tri ân của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dâng lên hương hồn những Bà Mẹ đã khuất; đồng thời là một tư liệu quý, có giá trị thực tiễn để giáo dục cho thế hệ trẻ Ninh Thuận về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy anh dũng, hy sinh nhưng vô cùng kiêu hãnh của các bậc cha anh trên quê hương anh hùng.

 

* Cô Nguyễn Thị Bé Tư năng động phát triển kinh tế gia đình

Ở ấp Giáp Nước, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, ai cũng biết một tấm gương phụ nữ với ý chí, lòng quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Đó là cô Nguyễn Thị Bé Tư.

Chúng tôi đến nhà cô Tư lúc giữa trưa, trong lúc cô Tư đang ở ngoài ruộng nhổ cỏ, xịt thuốc cho rau húng. Những liếp rau húng xanh mơn mởn, với gần 3 công đất trồng rau húng đã đem lại cho cô Tư cuộc sống khá giả. Vừa nhanh tay nhổ cỏ, cô Tư tâm sự: "Thời gian trước gia đình cô gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nghèo, không việc làm, ruộng đất ít làm không đủ ăn, con cái nheo nhóc. Nhưng vợ chồng cô chú luôn động viên nhau, cố gắng làm dành dụm lo cho gia đình".

Tận dụng tốt tiềm năng đất đai, mạnh dạn vay vốn quỹ phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ, cô Tư đã chuyển đất trồng nhãn không hiệu quả sang đầu tư trồng ngò gai và rau húng. Nhờ xây dựng mô hình sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình, chỉ vài năm trồng rau rồi "trúng" rau, cô Tư đã xây được nhà khang trang, cuộc sống dần ổn định. Cô Tư cho biết: "Trồng rau không khó, nhưng phải chịu khó chăm sóc, thường xuyên tưới nước. Trồng rau cho thu nhập cao gấp mấy lần trồng cây ăn trái. Nhờ "trúng" rau mà cô đã mua sắm đầy đủ tiện nghi cho gia đình". Một năm, với gần 3 công đất trồng rau húng, cô thu hoạch 6 đợt, mỗi đợt từ 5-6 tấn rau. Nếu giá bình quân từ 8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cô lãi gần 30 triệu đồng mỗi đợt (2 tháng). Hiện tại, ruộng rau húng của cô chuẩn bị thu hoạch, ước tính đợt này có thể lãi trên 30 triệu đồng.

Ngoài trồng rau, đất xung quanh nhà cô trồng trên 50 gốc dừa đang cho trái, tận dụng các ao xung quanh vườn dừa cô thả hơn 1.000 cá tai tượng, cá tra, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cô Tư chia sẻ: "Chỉ cần cần cù, chịu khó, không đầu hàng số phận, chắc chắn mình sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn".

Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, cô Tư còn là hội viên nòng cốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Cô luôn đi đầu trong mọi phong trào, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trồng trọt với các hội viên và bà con lối xóm. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Thạnh cho biết: "Chị Nguyễn Thị Bé Tư là hội viên phụ nữ gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương. Đặc biệt, bằng ý chí, nghị lực của mình, chị đã vươn lên làm giàu chính đáng".

Nhờ cần cù, chịu khó lao động và dè sẻn trong chi tiêu, gia đình cô Tư đã trở nên khá giả, các con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Niềm vui của cô Tư giờ đây là được giúp đỡ các chị em trong hội phụ nữ và bà con nghèo.

 

* Mẹ của những đứa con “không gia đình”

Không mang nặng đẻ đau nhưng các cô bảo mẫu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu chẳng khác gì những người mẹ của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng tại đây. Tình thương của họ đã giúp những đứa trẻ “không gia đình” cảm thấy như có cha mẹ ở bên cạnh.

Hầu hết trong số 92 trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu đều chung một cảnh ngộ: không gia đình. Có em bị bỏ rơi tại bệnh viện, có em lại bị mẹ đặt trước cửa trung tâm, có em từng sống lang thang hè phố…Vậy nhưng giờ đây tất cả đang được sống trong một đại gia đình với những người mẹ tuyệt vời.

Cô Nguyễn Thị Vân (51 tuổi) đã có 5 năm “làm mẹ” tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu (sau đây gọi là Trung tâm). Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là cô đến Trung tâm để bắt đầu một ngày mới với công việc chăm sóc các trẻ. Công việc khá vất vả vì các em phần lớn bị bệnh tật hiểm nghèo. Vừa bế cậu bé có tên là Nguyễn Thụy Dung, 5 tuổi trên tay, cô Vân cho biết: “Chân cháu yếu lắm nên tôi phải bế cháu thường xuyên. Sức khỏe của cháu kém vì bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Thương lắm”. Đưa tay chỉ cô bé đứng bên cạnh, cô Vân cho biết thêm, bé tên là Hoa Nhi, vào Trung tâm từ lúc còn đỏ hỏn, bây giờ đã lên 8 tuổi. Lúc đầu bé không đi được do chân bị dị tật, nhờ các cô và tình nguyện viên kiên trì tập vật lý trị liệu, giờ đây Hoa Nhi đã có thể chạy, nhảy. “Nuôi dạy các con từ bé, giờ mỗi lần nghe chúng gọi “má ơi” là tui lại thấy hạnh phúc vô cùng”, cô Vân chia sẻ.

Tại phòng trẻ sơ sinh, công việc của các bảo mẫu có vẻ tất bật, bận rộn hơn. Cô Lê Thị Út kể: “Gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập nên hiểu rõ từng hoàn cảnh của từng trẻ. Hồi đầu, vất vả quá nghĩ cũng nản, nhưng thương các con quá cứ tự động viên mình, ráng thêm chút nữa. Ráng cho đến tận bây giờ…”. Cô Út làm tất cả các công việc, bón từng thìa sữa, tắm rửa, thay tã, thậm chí thức thâu đêm chăm sóc các bé bị bệnh. Thời gian cứ thế trôi đi và các bé lớn khôn lúc nào không biết. Cô Út cũng kể bằng niềm vui rằng bây giờ mình đã là bà ngoại, bà nội của hàng chục đứa cháu. Cô nói: “Những đứa trẻ ở đây lớn lên, có nghề nghiệp rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Đứa hạnh phúc cũng về chia sẻ cùng các má, đứa gia đình có những lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt cũng về với các má để được an ủi”.

Một ngày của các cô trôi qua với nhiều công việc như pha sữa cho các bé ăn, ru các bé ngủ, tắm rửa, chơi với các bé… chẳng khi nào ngơi tay. Vừa đưa nôi ru cho các bé ngủ, cô Lê Thị Thanh Thủy cho biết, cô đã có 5 năm gắn bó với công việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Trung tâm. Vì vậy, cô luôn coi những đứa trẻ ở đây như con của mình sinh ra. “Chúng tôi luôn tâm niệm, các trẻ ở đây là những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn. Bằng tình thương, trách nhiệm, chúng tôi sẽ chăm sóc, dành cho các bé những bước đi đầu đời vững chắc nhất”, cô Thủy cho hay.

Qua từng việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, các bảo mẫu ở Trung tâm đã giúp cho các em hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị cuộc sống lao động và học tập, ý nghĩa hướng thiện, trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Sinh hoạt có kỷ luật là việc đầu tiên giúp cho các em sớm đi vào nếp sống, nếp lao động và học tập bình thường như bao đứa trẻ khác. Ở Trung tâm, thời gian biểu được sắp xếp khá chặt chẽ, từ giờ ăn, giờ ngủ, học tập… 85% trẻ đi học đều đạt thành tích khá, giỏi. Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi trẻ nhỏ khi được tiếp nhận vào Trung tâm đều được mở sổ theo dõi, khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm phân loại và chăm sóc riêng theo từng bệnh lý của trẻ. Cuốn sổ nhật ký hàng ngày được các cô bảo mẫu ghi lại chi tiết tình trạng sức khỏe của từng trẻ. “Các cô bảo mẫu ở trung tâm đều được tập huấn các kỹ năng cần thiết trong việc chăm sóc trẻ đặc biệt. Cụ thể, hàng năm Trung tâm đều phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ đặc biệt; mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện về tâm sinh lý lứa tuổi; kỹ năng sống... Ngoài ra, để chuyên nghiệp hóa đội ngũ, đã có 6 nhân viên được đi đào tạo lớp trung cấp nghề công tác xã hội”, bà Lê Thị Trang Đài cho biết thêm.

 

* Người trưởng khu phố luôn vì người nghèo

Bà Phạm Thị Bằng, 61 tuổi ở số nhà 172, Nguyễn An Ninh vẫn được nhân dân khu phố 2, phường 7 (TP.Vũng Tàu) tín nhiệm bầu làm Khu phố trưởng. Bà luôn gần gũi với dân, đặc biệt là những gia đình nghèo trong khu phố.

Khi được bầu làm Khu phố trưởng, bà Bằng cùng ban điều hành khu phố lên danh sách phân loại tình hình kinh tế của các hộ gia đình trong khu phố, chọn 48 hộ nghèo nhất để UBND phường 7 hỗ trợ chính sách ưu tiên cho hộ nghèo; làm thủ tục giúp 40 cụ trên 80 tuổi được hưởng chế độ trợ cấp xã hội dành cho người già. Những đối tượng là trẻ mồ côi, học sinh nghèo được bà quan tâm đặc biệt. Bà Bằng trực tiếp vận động các nhà hảo tâm, đóng trên địa bàn để giúp đỡ các em, tặng học bổngcho học sinh nghèo, tiếp sức cho các em được tới trường.

Bà Bằng cho biết, khu phố 2 có gần 3.000 nhân khẩu. Người dân chủ yếu là đi làm thuê, chạy xe ôm, thợ hồ... nhiều gia đình rất khó khăn, phải sống trong những căn nhà dột nát. Bà Bằng trăn trở tìm cách hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở.

2 năm qua, với sự giúp đỡ của chính quyền phường 7 và sự đóng góp của bà con hàng xóm, khu phố 2 đã xây dựng được 9 căn nhà “Đại đoàn kết”, trị giá 160 triệu đồng. Bà Bằng tâm sự: “Các gia đình được xây dựng nhà đều rất nghèo. Khi được xây nhà mới, họ mừng lắm”. Trong số những căn nhà “Đại đoàn kết” được xây, bản thân bà Bằng có trích thêm một phần lương hưu của mình giúp đỡ nhà thì vài bao xi măng, nhà thì khối cát. Bà nhiệt tình và tận tâm với công việc. Đối với bà, về già được tham gia các công tác xã hội là một niềm vui. Bà Nguyễn Thị My, ở số 36/37/20, Nguyễn An Ninh nói: “Gia đình tôi bị thất lạc hộ khẩu. Tôi tuổi đã cao nên không đi làm lại được, bà Bằng đã tình nguyện làm các thủ tục xin cấp lại hộ khẩu cho gia đình tôi. Khu phố có người khu phố trưởng tốt bụng như bà Bằng thì người dân được nhờ. Tôi biết ơn bà ấy nhiều lắm”.

Với những đóng góp nhiệt tình và hiệu quả trong phong trào “Vì người nghèo”, bà Bằng đã được UBND TP.Vũng Tàu tặng nhiều giấy khen về những thành tích chăm lo cho đời sống của người nghèo.

* Dự án "khổng lồ" của cô gái nhỏ nhất thế giới

Jioti Amge mới 18 tuổi nhưng đã kịp trở thành người nổi tiếng khắp thế giới. Cô được chính thức mang danh hiệu “người phụ nữ nhỏ bé nhất thế giới” của Sách kỷ lục Guinness từ khi cô tròn 18 tuổi, vào tháng 12 năm 2011 với chiều cao 62,6 centimét.

London nóng lên với sự có mặt của cô nhất là khi cô tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng điều cô khao khát nhất là giải Oscar từ kinh đô điện ảnh Hollywood và có cả một kế hoạch để thực hiện điều đó.

Cô gái Ấn Độ đến thủ đô nước Anh nhân dịp phát hành cuốn Sách kỷ lục Guinness 2013. Cô khiến mọi người sửng sốt với nụ cười thật rạng rỡ. Hoá ra từ lâu cô đã muốn rời bỏ thành phố quê hương Nagpur để đến sống ở London. “Tôi không thể kiên nhẫn được nữa khi xem những bức ảnh về thành phố lộng lẫy và quyến rũ này của các bạn”, cô nói.

Cô thiếu nữ dễ thương ấy mắc một chứng bệnh lùn mà các nhà y học gọi là chứng “loạn sản sụn” (achondroplasia), các chi bị ngắn lại do yếu tố di truyền song mọi sự phát triển khác đều bình thường. Cô thấp hơn nữ kỷ lục gia trước cô - một phụ nữ Mỹ là Brigitte Jordan - 7 cm.

Jioti Amge tâm sự với các nhà báo: “Tôi cảm thấy mình hãnh diện, độc đáo, quan trọng vì luôn luôn được mọi người chú ý”. Cô cho biết, khi cô đi ngoài phố, mọi người đều dừng lại, nhìn theo cô rất lâu. Nhiều khi cô phải choàng khăn để người lạ khỏi nhận ra.

Mặc dù vậy, Jioti có rất nhiều bạn ở Ấn Độ. Họ đều là những người bình thường, tay trong tay với người yêu đến chơi với cô. Những lúc ấy, cô cũng thấy trái tim mình xốn sang.

“Tôi cũng muốn có một người luôn bên cạnh, thương yêu và chăm sóc tôi. Tôi sơ nhất là phải phụ thuộc vào những người xung quanh Ngay cả việc đi lại, tôi cũng không thể đi nhanh như mọi người”, cô chia sẻ.

Dù biết còn gặp muôn vàn khó khăn, Jioti không mất đi ý chí và sự lạc quan. Cô tiết lộ với các nhà báo rằng cô muốn thử sức mình ở Hollywood: “Mơ ước lớn nhất của tôi là được trở thành diễn viên Hollywood và một ngày nào đó, được giải Oscar”.

Chị Đậu Thị Túc tận tụy với công việc
Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vì chồng mất sớm, các con còn nhỏ… nhưng chị Đậu Thị Túc ở thôn 3, xã Đắk Lao (Đắk Mil) vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội của địa phương với cương vị là cán bộ chi hội phụ nữ thôn.

Năm 2000, khi đã bước vào tuổi 40, chị vinh dự được kết nạp Đảng và như chị tâm sự thì đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời chị. Năm 2002, chị được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội nông dân xã Đắk Lao, tiếp đó là Bí thư Chi bộ thôn 3. Công việc gia đình, xã hội khá nhiều, nhưng dù ở cương vị nào, chị cũng luôn cố gắng nghiên cứu, học hỏi để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chị Túc chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ, mình là đảng viên thì phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, chứ không thể lơ là được. Trong những thời điểm khó khăn nhất, bản thân đã cố gắng vượt qua được thì bây giờ mình cần phải nỗ lực hơn nữa để đóng góp công sức cho công việc của Đảng, của địa phương theo lời dạy của Bác Hồ”.

Với suy nghĩ đó, trong suốt thời gian tham gia công tác địa phương, chị luôn cố gắng đi sâu, đi sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các gia đình nông dân. Từ đó, chị cùng với các cán bộ khác bàn bạc, phân tích hoàn cảnh của từng hộ nghèo để có hướng giúp đỡ hợp lý.

Trong đó, việc hỗ trợ vốn cũng như kiến thức khoa học, kỹ thuật cho bà con được chị đặc biệt chú trọng. Thông qua nguồn vốn tín chấp từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách-xã hội huyện, đến nay, chị đã tham mưu với Hội Nông dân xã cho hơn 500 hộ gia đình vay gần 8 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, các lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ... cũng thường xuyên được tổ chức. Qua đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các thông tin, mô hình, tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả trên, đời sống của bà con trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nông dân của xã đạt danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” vào hàng cao nhất huyện và cũng là điển hình về việc đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn.

Với những nỗ lực, đóng góp của mình, chị Túc đã hai lần vinh dự được trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” và “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”. Ngoài ra, chị còn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện vì đạt nhiều thành tích trong công tác xã hội tại địa phương.

TTTT
Theo Báo Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu – Ninh Thuận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video