Mô hình dạy nghề lưu động Trung tâm dịch vụ việc làm Hội LHPN An Giang - một cách làm hay

16/02/2006
Là tỉnh thuần nông, đất chật người đông, mỗi năm An Giang có tới gần 30.000 người bước vào tuổi lao động,

tình trạng thiếu việc làm, tay nghề non kém đã dẫn đến một bộ phận phụ nữ nông thôn lấy chồng sớm, lấy chồng ngoại quốc với mong ước được đổi đời hoặc bị lừa gạt bán qua biên giới. Đây là trăn trở không chỉ riêng với các cấp lãnh đạo tỉnh mà còn đối với các cấp Hội LHPN An Giang: Làm thế nào giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống?

 

Trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, sáng kiến đào tạo nghề lưu động của Ban Giám đốc Trung tâm đã gây được sự chú ý và là một trong những biện pháp hữu hiệu giải quyết việc làm. Được T.W Hội LHPN Việt Nam đầu tư 50 máy may công nghiệp với tổng kinh phí 400 triệu đồng, Sở Lao động & TBXH cấp 100 triệu đồng từ ngân sách, Trung tâm đã mở được 21 lớp dạy nghề, trong đó có 7 lớp may công nghiệp, 4 lớp may dân dụng và 5 lớp may dân dụng nâng cao, 4 lớp móc chỉ len, thắt bím lục bình, thu hút 460 học viên tham dự. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện: Châu Thành, Tân Châu mở 2 lớp may dân dụng, 9 lớp may công nghiệp cho học viên, đồng thời được Tỉnh hội cho khai thác Dự án “Dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho phụ nữ có thu nhập thấp” do Tổ chức ILO-Nhật Bản tài trợ, tại các xã: An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới) và An Hoà (huyện Châu Thành), Trung tâm đã mở lớp dạy nghề may dân dụng cho 120 em, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn cho 112 chị, mở 5 lớp tập huấn về giới, kỹ năng sống cho 200 người.

 

Có kiến thức, nghề trong tay, được tư vấn, giới thiệu việc làm, thông qua Hội chợ việc làm của tỉnh, đã có 392 lao động được Trung tâm giới thiệu làm nghề may công nghiệp tại Đồng Nai, may giầy da tại Bình Dương, quận Bình Chánh, TP.HCM; số còn lại được giới thiệu làm việc tại các xí nghiệp và cơ sở may trong tỉnh. Riêng số chị em học nghề ngắn hạn, nghề truyền thống ở địa phương, sau học nghề có 80% chị em có việc làm tăng thu nhập.

 

Mặc dù lĩnh vực xuất khẩu lao động còn đang phải “mò mẫm” tìm hướng đi nhưng trong năm 2005, Trung tâm cũng đã tuyên truyền vận động được trên 800 đối tượng có nhu cầu, đã mở được 4 lớp giáo dục định hướng và học ngoại ngữ cho 120 lao động và điều quan trọng là đã bước đầu đưa được 68 lao động, trong đó có hơn một nửa là người Chăm và người Khơ Me sang làm việc tại Malaixia, 52 lao động còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đi lao động hợp tác nước ngoài.

 

Nói về kết quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hội LHPN tỉnh An Giang thì vẫn còn khá khiêm tốn nhưng theo chúng tôi với đội ngũ chỉ 5 cán bộ, nhân viên thì những con số trên quả là không nhỏ. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho một vùng quê còn nhiều khó khăn này, Trung tâm còn rất nhiều việc phải làm và cần có sự hỗ trợ tích cực hơn, đặc biệt cần đẩy mạnh hơn nữa mô hình dạy nghề lưu động gắn với hoạt động giới thiệu việc làm.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video