Mô hình hay của Hội LHPN xã An Quang, tỉnh Bình Định

13/11/2015
Với sự chủ động, sáng tạo, Hội LHPN xã An Quang, tỉnh Bình Định đã xây dựng được nhiều mô hình hay trong triển khai công tác Hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao

Nhà tiêu hợp vệ sinh thực hiện “3 sạch”: An Quang, huyện An Lão tỉnh Bình Định là một xã vùng cao, dân cư chủ yếu là đồng bào Hre. Toàn xã có 358 hộ (trong đó có 262 hộ nghèo chiếm 73,2%), có 282 hội viên phụ nữ, (trong đó hội viên là dân tộc thiểu số: 279 chị, chiếm 99%). Với những đặc điểm đó, việc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đặc biệt là tiêu chí 3 sạch trongnhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả khảo sát cuối năm 2014 tổng số hộ trong toàn xã đạt 3 sạch chỉ chiếm 15/358 hộ (4,2%).

Trước tình hình đó, Hội LHPN xã đã tìm cách để đưa cuộc vận động vào cuộc sống bằng việc phát động thi đua và đăng ký cho từng hội viên, phụ nữ thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động gắn với 19 tiêu chí phong trào xây dựng nông thôn mới và chương trình 5 có - 5 không do Huyện ủy phát động.

Đặc biệt đối với tiêu chí 3 sạch, Hội gắn cụ thể với việc xây dựng công trình vệ sinh hợp vệ sinh và coi là điều kiện để cuối năm bình xét gia đình văn hóa. Hội LHPN xã đã tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát tại 5/5 thôn để nắm danh sách những gia đình chưa thực hiện đủ 3 sạch và chưa có công trình vệ sinh, hố xí hợp vệ sinh. Kết quả có 145 hộ chưa có hố xí hợp vệ sinh vì không có điều kiện làm. Tổ công tác đã vận động đoàn viên thanh niên, phụ nữ tập trung đào và xây dựng cho mỗi gia đình 1 hố xí trị giá mỗi cái từ 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng, ngày công vận động giúp không, gia đình chỉ phải trả tiền cây và bạt che bằng hình thức sau khi thu hoạch rẫy keo hoặc nhận tiền giao khoán rừng sẽ trích ra để trả cho tổ công tác.

Qua thời gian 2 tháng thực hiện đã xây dựng mới được 145 hố xí mới tại 5/5 thôn. Ngoài ra những hộ nào thả rông trâu, bò, gia súc ra đường người chủ sẽ bị phạt với mức nộp phạt là 100 ngàn đồng/1 con khi bị phát hiện. Quy định này được thực hiện do UBND xã ra quyết định cụ thể để áp dụng trên toàn xã. Điều này đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, sự cố gắng của tập thể cán bộ và nhân dân trong toàn xã trong công tác vận động, thực hiện xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch để cùng thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Với sự sáng tạo và nỗ lực với phong trào, Hội LHPN xã An Quang đã được cấp ủy, chính quyền xã An Quang ghi nhận, biểu dương, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

CLB “Phụ nữ không uống rượu say”. Là xã vùng cao, nếp sống với phong tục tập quán xưa, uống nhiều rượu trong các dịp cúng, kỵ trong gia đình, trong làng, ngay cả đối với chị em phụ nữ. Trong đó, thôn 4 là thôn có nhiều chị em hay uống rượu nhất. Trước tình hình đó, Hội LHPN xã An Quang đã tham mưu với cấp ủy xin chủ trương thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ không uống rượu say” với 51 thành viên tham gia. Chị em trong thôn được tham gia sinh hoạt thường kỳ để nâng cao nhận thức trong việc thấy rõ tác hại của uống rượu say như thế nào đối với gia đình, cộng đồng. Chị em cũng được học cách tổ chức tốt cuộc sống gia đình, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để nuôi dạy con, mua sắm tài sản và tích lũy cho con ăn học hoặc lúc ốm đau, góp phần đưa kinh tế gia đình đi lên thoát nghèo.....

Thông qua các buổi sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ “Phụ nữ không uống rượu say”, chị em được trao đổi những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tổ chức tốt cuộc sống gia đình và chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học…

Tham gia sinh hoạt CLB, chị em đã nâng cao nhận thức, không còn tình trạng uống rượu say làm ảnh hưởng đến gia đình và khu dân cư. Đây là 1 trong những mô hình câu lạc bộ mới và thiết thực, gần gũi nhất trong cuộc sống của Hội phụ nữ được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và ghi nhận.

Hoàng Diệu, Hội LHPN tỉnh Bình Định

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video