Mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

26/01/2015
Trong những năm qua, các cấp Hội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế: dạy nghề, tạo việc làm, lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện địa phương.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng xã Sông Lô

Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toàn tại xã Sông Lô, thành phố Việt Trì là mô hình tiên phong phát triển nghề trồng rau an toàn sử dụng kỹ thuật khoa học công nghệ mới vào sản xuất là một mô hình tiêu biểu như thế.

Xã Sông Lô, thành phố Việt Trì là xã có diện tích đất tự nhiên 536,94 ha, trong đó diện tích đất trồng rau được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên 10ha, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn của thành phố.

Mô hình được Hội PN các cấp và UBND tỉnh Phú Thọ, Tp. Việt Trì, UBND xã Sông Lô hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà sơ chế rau, hệ thống điện nước tưới tiêu, nhà lưới, cống rãnh thoát nước, cung cấp cây giống đảm bảo... nên bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo ra một vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chất lượng tại địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, một số hộ trồng rau cho biết, trước đây bà con phun thuốc bảo vệ thực vật cho rau nhưng do không xác định đúng bệnh đang gây hại, chỉ phun thuốc theo kinh nghiệm nên dẫn đến tình trạng hiệu quả vànăng suất rau trồng không cao. Hiện nay với quy trình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, các hộ được đào tạo kỹ thuật và có kiến thức nhất định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đã phát hiện sớm sâu bệnh trên rau, dùng thuốc đúng mục đích, thu hoạch sản phẩm đảm bảo thời gian cách ly. Đặc biệt, qua mô hình này, các hộ dân trồng rau theo kế hoạch và khuyến cáo của tổ liên kết để phù hợp với khung thời vụ và diện tích canh tác từng loại rau nên không còn tình trạng rau năng suất kém do gieo không đúng lịch; rau không tiêu thụ được phải bỏ ruộng như trước kia.

Chị Hoa, tổ phó tổ liên kết chia sẻ: trồng rau an toàn theo hướng ViệtGAP mang lại hiệu quả thiết thực, các hộ dân đã biết kỹ thuật chăm sóc rau để mang lại hiệu quả cao. Trồng rau an toàn cũng là một trong những giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, phát triển rau màu ở địa phương. Chị em rất phấn khởi khi đến vụ thu hoạch, có người đến tận ruộng thu mua, trung bình khoảng 15.000 đồng đến 17.000 đồng/ kg rau, mỗi vụ rau từ 3 đến 6 tháng thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/ 1 sào, tốt hơn nhiều so với trồng lúa.

Mô hình trông rau an toàn theo hướng VietGAP giúp chị em phụ nữ nông thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Hiệu quả ban đầu từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo

Những năm gần đây, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN huyện Điện Biên Đông thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, chị Vàng Thị Xuân, tổ 10, thị trấn Điện Biên Đông phấn khởi cho biết: Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, muốn đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo nhưng không có điều kiện, cả gia đình chỉ trông vào mấy nghìn mét vuông ruộng; chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khi tham gia sinh hoạt tổ vay vốn số 10 của Hội LHPN thị trấn, tôi được chị em chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và được tạo điều kiện cho vay 7 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số tiền này, tôi đầu tư mua con giống, nuôi ngan, gà và vịt siêu trứng. Chỉ sau 3 - 4 tháng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn gia cầm phát triển tốt, bán với giá trung bình 120.000 - 140.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi lứa nuôi lãi hơn 2 triệu đồng. Nguồn thu nhập ấy giúp gia đình tôi cải thiện đời sống và có thêm vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau hơn 1 năm, tôi đã trả hết nợ và có tiền để sửa lại nhà.

Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN huyện Điện Biên Đông đi vào hoạt động từ tháng 9/2013, với tổng vốn hoạt động 3 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Để quỹ hoạt động đúng mục đích và mang lại hiệu quả, Hội đã thành lập 3 tổ vay vốn tiết kiệm thí điểm tại 3 xã: Keo Lôm, Luân Giói và thị trấn Điện Biên Đông. Các tổ vay vốn tổ chức sinh hoạt 1 lần/tháng để thu nộp tiền lãi, gốc và trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn hội viên áp dụng KHKT vào sản xuất để mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Chị Lò Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Điện Biên Đông cho biết: Với số tiền cho vay vòng 1 là 7 triệu đồng/hội viên, phần lớn chị em đều đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn rau, cây ăn quả… với quy mô nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, nhiều hội viên đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, các chi hội phụ nữ thường xuyên kiểm tra việc sử dụng và hiệu quả từ nguồn vốn vay của các hội viên; đôn đốc các hội viên hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Ngoài ra, các tổ vay vốn còn phát động phong trào “ống tiền tiết kiệm”, “hũ gạo tiết kiệm”… Đến nay, Hội LHPN thị trấn Điện Biên Đông đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 180 hội viên vay vốn phát triển kinh tế; trong đó có 9 hội viên thoát nghèo.

Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đã tạo điều kiện cho 1.230 hội viên trên địa bàn 3 xã Keo Lôm, Luân Giói và thị trấn Điện Biên Đông có nguồn vốn ban đầu để phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, trong đó có 16 hội viên đã thoát nghèo. Tổng dư nợ vốn vay trên 4 tỷ đồng. Bà Lại Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN huyện Điện Biên Đông, Trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động nhưng quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, như: Số hội viên tham gia ngày càng đông, hội viên thoát nghèo tăng theo từng chu kỳ vay vốn, ngày càng xuất hiện nhiều gương phụ nữ sản xuất giỏi… Đặc biệt, qua các buổi sinh hoạt tổ vay vốn, giúp hội viên dần thay đổi cách nghĩ, tư duy sản xuất và mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để tăng thu nhập. Trong thời gian tới, Hội sẽ triển khai Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đến 100% các xã, thị trấn giúp hội viên được tiếp cận vốn vay, phát phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nguyễn Tam Điệp – Ban Kinh tế TW Hội
baodienbienphu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video