Mô hình hoạt động Hội

15/07/2014
Mô hình trồng vú sữa của phụ nữ xã Trường Long, Cần Thơ

Trong chuyến công tác về Cần Thơ, chúng tôi được tới thăm những vườn vú sữa xanh tốt ở ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền. Chị em hội viên phụ nữ xã Trường Long hồ hởi khoe với chúng tôi rằng đó chính là thành quả từ mô hình CLB chăm sóc cây vú sữa nơi đây.

Người dân ấp Trường Khương coi vú sữa là một loại cây mũi nhọn trong nghề làm vườn. Tuy nhiên, việc trồng vú sữa ở đây mang tính chất đơn lẻ theo hộ gia đình, manh mún nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Thực tế đó đặt ra cho Hội Phụ nữ xã Trường Long một câu hỏi bức thiết, đó là làm thế nào để kết nối các gia đình hội viên trồng vú sữa thành mô hình CLB, nhằm tạo ra một hướng phát triển mạnh mẽ hơn cho loại trái cây này.

Chính vì vậy, CLB chăm sóc cây vú sữa đã được thành lập với 50 thành viên tham gia do chị Phạm Thị Phùng làm chủ nhiệm. Đến nay diện tích trồng, chăm sóc vú sữa của CLB là 26,7 ha với 3226 cây, tất cả đều là giống vú sữa Lò Rèn (một loại vú sữa vỏ mỏng, sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơmngọt, nhiều chất dinh dưỡng, được mọi người ưa chuộng).

Ngay từ đầu, sự quyết tâm của chị em trong CLB dành cho hướng đi mới này đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về việc hướng dẫn cách trồng vú sữa từ nhánh chiết thay vì trồng từ hột như truyền thống. Phương pháp này có lợi thế là cây nhanh ra trái, trung bình khoảng ba năm sẽ có thu hoạch. Chị em cũng được phổ biến rất cụ thể về kỹ thuật trồng, chăm sóc vú sữa. Do làm đúng hướng dẫn nên vườn cây của các gia đình đều cho năng suất rất cao.

Chị Phùng phấn khởi khoe với chúng tôi, năm nay vú sữa vừa được mùa vừa được giá. Có gia đình hội viên đã thu hoạch được khoảng 20 tấn trái, giá trung bình 20.000 đồng/kg, trừ chi phí phân bón, thuê nhân công hái... thu về gần 2,5 tỷ 460 đồng/26,7ha/năm.

Ngoài việc tạo nguồn kinh tế ổn định cho gia đình, chăm lo học hành của con cái tốt hơn, mô hình trồng cây vú sữa Lò Rèn của chị Phùng và các thành viên trong CLB còn giúp tạo việc làm thời vụ cho bà con trong vùng.

Mô hình CLB trồng vú sữa Lò Rèn của Hội LHPN xã Trường Long được xem là một điển hình tốt để nhân rộng. Có được thành công hôm nay, các chị em luôn luôn có ý thức vươn lên làm kinh tế, không ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; luôn học hỏi, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cho cây. Đặc biệt, chị em còn luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho hội viên và bà con quanh vùng, với mong muốn mọi người đều có kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc.

Câu lạc bộ “Phụ nữ đơn thân nuôi con thành đạt” Bỉnh Nghĩa

Mặc dù không may mắn có được gia đình hành phúc nhưng nhiều phụ nữ Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn, Thuận Bắc, Ninh Thuận) đã vượt qua hoàn cảnh trở thành những người mẹ đơn thân nuôi con thành đạt.

Đa phần các phụ nữ đơn thân ở thôn Bỉnh Nghĩa đều có hoàn cảnh khó khăn, bởi các chị vừa phải đi làm kiếm sống hàng ngày, vừa phải nuôi dạy con cái. Không có điểm tựa và sự hỗ trợ từ người đàn ông, cuộc sống gặp rất nhiều trở ngại nhưng các chị đều có chung một ý chí đó là vượt khó khăn vươn lên. Từ năm 2008, Câu lạc bộ “Phụ nữ đơn thân nuôi con thành đạt” được thành lập với 26 thành viên, đã trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều chị em phụ nữ đơn thân cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống gia đình vốn không toàn vẹn, đầy đủ của mình. Chị Thuận Thị Đệ, Chủ nhiệm CLB cho biết: Tuy các chị em trong CLB không làm vợ, làm dâu nhưng các chị em đều đã mang thiên chức của người mẹ. Và quan trọng hơn cả, khi vào CLB các chị được sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi dạy con cái, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, CLB đã mở ra cơ hội để các chị em phụ nữ đơn thân được giao lưu, vượt qua những nỗi buồn để hòa nhập với cuộc sống và tự tin hơn. Do đó, đã có rất nhiều chị em đã nuôi con ăn học thành đạt. Chị Đạo Thị Đát chia sẻ: Từ khi tham gia CLB, tôi như có thêm điểm tựa tinh thần, được chị em hỗ trợ lúc khó khăn, chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Nhờ đó, tuy cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi vẫn ráng nuôi con ăn học để các con tôi an tâm, vững tin hơn trong cuộc sống. Giờ đây con cái đều ăn học đàng hoàng, trong đó có 2 con tốt nghiệp học đại học đã có việc làm.

Bên cạnh đó, CLB còn giúp đỡ nhau làm kinh tế với nhiều hình thức như: thành lập “tổ đổi công”, “tổ phụ nữ tiết kiệm” và “góp vốn xoay vòng”, gây quỹ để cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Từ nguồn vốn vay, kết hợp với trao đổi kinh nghiệm, nhiều chị em có điều kiện để phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ tăng thêm thu nhập; nhiều chị đã có tiền xây dựng nhà mới khang trang, đời sống nâng lên. Ngoài ra, chị em CLB còn tham gia các hoạt động xã hội, duy trì phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, quyên góp giúp đỡ hội viên Phụ nữ có hoàn cảnh nghèo khó. Đến nay, hộ nghèo của thành viên CLB đã giảm xuống còn 4/26 hộ, có 10 hộ có con ăn học thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, nhiều con em trong CLB được đến trường.

Chị Thành Thị Dạt, Chi hội Trưởng phụ nữ thôn Bỉnh Nghĩa cho biết: Tham gia CLB những người phụ nữ đơn thân trong thôn không còn đơn độc, cùng nhau chia sẻ, khắc phục hoàn cảnh để vươn lên hoàn thành trọng trách trụ cột gia đình “một vai hai gánh” vừa làm cha, vừa làm mẹ, tự tạo dựng cuộc sống cho mình và cho con cái

Trần Duy Cương, TW Hội; Báo Ninh Thuận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video