Mô hình hoạt động Hội

11/09/2014
“Làng tự quản phát triển” ở Hòa Bình

Mô hình được triển khai tại xóm Mời Mít -xã Yên Mông và xóm Máy 3- xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với sự hỗ trợ của tổ chức Liên minh Vì phát triển môi trường (CED). Với phương châm dự án và nhân dân cùng làm, C.E.D đã cấp hỗ trợ một phần vốn vay để chị em chăn nuôi, sản xuất theo kế hoạch đã lập, đồng thời tổ chức cho gia đình các chị em phụ nữ đăng ký thực hiện với hình thức quay vòng vốn.Ban đầu tổ chức C.E.D cấp cho Xóm Máy 3 – xã Hòa Bình là 40 triệu đồng, Xóm Mời Mít – xã Yên Mông là 30 triệu đồng. Các chị em đã sử dụng số vốn này tổ chức chăn nuôi bò, lợn, gà và thả cá, một số chị còn đầu tư mở rộng thêm dịch vụ xay sát lúa, thu mua gạo và rau củ quả. Đây là động lực kích cầu để chị em phụ nữ hăng hái tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế do các cấp hội phụ nữ triển khai, qua đó đã có 48 lượt hộ được vay. Chị em tham gia rất trách nhiệm trả gốc, lãi đầy đủ nên đến nay nguồn vốn gốc quay vòng ở hai xóm đã tăng lên 107 triệu đồng. Thu nhập của các thành viên trong hộ gia đình đượcvay vốn từ 1,5 triệu đồng/ tháng hiện nay đã tăng lên 2, 6 triệu đồng/ tháng. Mô hình “Làng tự quản phát triển” đã giúp chị em phụ nữ được học hỏi kinh nghiệm và phương pháp làm việc theo khoa học, hiện đại và mang tính đoàn kết cộng đồng cao, góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, no ấm, tiến bộ.

“Tổ dịch vụ giúp việc gia đình” của Hội LHPN quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Mô hình là cách làm của Hội LHPN Quận Hải Châu nhằm quan tâm đến đối tượng phụ nữ nghèo, giúp họ có điểm tựa vững chắc để vươn lên trong cuộc sống. Mục đích chính của mô hình là nhằm cung cấp các dịch vụ gia đình như: dịch vụ nấu ăn, làm cỗ; chăm sóc người già, trẻ em, thai sản; nhận dọn vệ sinh cho các công ty, đơn vị, nhà hàng; đưa đón học sinh đi học... Tham gia mô hình “Tổ dịch vụ giúp việc gia đình” của Hội Phụ nữ, các chị được thiệu việc làm. Khi người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, tổ trưởng có nhiệm vụ phân công cho chị em trong tổ công việc phù hợp với khả năng, sở trường của từng người. Các thành viên trong tổ đều có nhiệm vụ thông qua sự tín nhiệm, uy tín, sự quen biết để tìm nhu cầu trong xã hội, giới thiệu việc làm cho các thành viên trong tổ. Hội LHPN quận, phường thường xuyên theo dõi quá trình làm việc của các chị thành viên, nắm thông tin từ phía hộ gia đình, quan tâm tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của các chị trong tổ cũng như ý kiến đóng góp phản hồi từ các hộ gia đình đế có hướng khắc phục kịp thời. Các tổ/nhóm “dịch vụ giúp việc gia đình” còn định kỳ hàng quý tổ chức họptrao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức công việc về cách nuôi dạy con, chăm sóc gia đình, hướng dẫn nhau sử dụng các thiết bị sinh hoạt gia đình như: cách khởi động máy giặt, lò vi sóng, sử dụng tủ lạnh, tivi …..và nhất là nhắc nhở nhau trong thực hiện công việc phải cẩn thận, thật thà, không gian lận, tham lam để cùng giữ gìn uy tín, danh dự của bản thân cũng như uy tín của Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ quận luôn tạo điều kiện để thành viên trong tổ được tham gia các lớp dạy kỹ thuật nấu ăn, các buổi nói chuyện trao đổi về cách chăm sóc sức khỏe do các cấp Hội tổ chức. Đến nay mô hình “Tổ dịch vụ giúp việc gia đình” đã thành lập được 13 nhóm tại 13 phường với 265 thành viên tham gia, trong đó có 111 chị là phụ nữ nghèo. Từ mô hình này, toàn quận đã góp phần giúp cho 203 chị có việc làm ổn định, thu nhập hàng tháng từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Chị Phan Thị Thắng Lợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Quận Hải Châu cho biết, mô hình bước đầu đã thành công, mang lại hiệu quả nhất định, từng bước đáp ứng được nhu cầu của hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo; góp phần thực hiện tốt công tác ASXH, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đồng thời mang lại diện mạo mới cho phong trào phụ nữ toàn quận trong thời gian qua.

Hoài Phương, Hà Thu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video