Mô hình mới, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ

10/08/2011
Làm thế nào giải quyết việc làm ổn định cho phụ nữ ở khu vực nông thôn là điều mà cán bộ Hội LHPN huyện Đức Phổ luôn suy nghĩ. Và đã có các cơ sở may khẩu trang của phụ nữ ở xã Phổ Nhơn, cán bộ hội phụ nữ huyện phấn khởi ra mặt vì có thêm hướng giải quyết việc làm cho chị em.

Chúng tôi tìm đến cơ sở may khẩu trang của chị Đỗ Thị Kim Liên (35 tuổi, ở thôn Nhơn Tân, xã Phổ Nhơn). Trò chuyện với chúng tôi, chị Liên khá bận rộn với cuộc điện thoại đặt hàng ở các nơi trong và ngoài tỉnh. Chị Liên cho biết: "Trong vòng 1-2 ngày chị xuất khoảng 2.000 chiếc khẩu trang ở thị trường trong và ngoài nước. Còn về số lượng phụ nữ được tạo việc làm thì nhiều lắm, có đến hàng trăm chị. Chị em nhận hàng về nhà làm và hưởng lương theo sản phẩm".

 

Tại cơ sở sản xuất đặt tại nhà chị Liên ngày nào cũng "thường trực" hơn chục lao động (chủ yếu là nữ). Cơ sở  sản xuất này được chị Đỗ Thị Kim Liên đầu tư hơn 200 triệu đồng, trang bị các loại máy móc như: Máy vắt sổ, máy may công nghiệp…

Nhiều chị em phụ nữ ở các xã Phổ Nhơn, Phổ An, Phổ Ninh, Phổ Hòa, thị trấn Đức Phổ… tìm đến cơ sở sản xuất của chị Liên để nhận hàng về nhà làm. Công việc may khẩu trang tương đối nhẹ nhàng, được ở gần gia đình, tranh thủ làm được việc  nhà, nên thu hút nhiều phụ nữ tham gia. Theo chị Liên người ít nhất kiếm được 2 triệu đồng/tháng, người may nhiều thì được khoảng 3 triệu đồng/tháng.

 

Chị Phạm Thị Kim Yến (23 tuổi, ở xã Phổ Nhơn) cho hay: "Do sức khỏe yếu nên em bỏ việc ở Tp.HCM về quê. May nhờ có cơ sở may của chị Liên, nên mỗi tháng em có thu nhập khoảng 2,2 triệu đồng. Ở quê làm được thế này, thích hơn là bon chen ở Tp.HCM".

Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ, bản thân chị Đỗ Thị Kim Liên còn là tấm gương giàu nghị lực để chị em noi theo. Cách đây không lâu chị Liên gần như sụp đổ về mặt tinh thần khi hay tin mình bị ung thư cổ tử cung. Chị sống trong những tháng ngày gần như tuyệt vọng, chìm trong nước mắt mỗi khi nghĩ đến chuyện rồi đây sẽ phải vĩnh viễn rời xa chồng và các con. Nhưng rồi quyết không đầu hàng số phận, chị đã gương dậy với tất cả niềm tin và nghị lực.

Từ chỗ đời sống kinh tế khó khăn do dồn hết tiền của để chữa bệnh, phải đi vay vốn hộ nghèo, giờ đây cuộc sống kinh tế gia đình chị Liên đã ổn định, với công việc sản xuất kinh doanh ngày một phát triển. Chị Liên bộc bạch: "Trời thương nên mình vượt qua được. Bây giờ mỗi khi chị em đến xin nhận hàng về làm, dù là ai, ở đâu, mình cũng tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống".

Ở xã Phổ Nhơn còn có cơ sở may khẩu trang của chị Đỗ Thị Kim Hằng (chị em ruột với chị Liên). Cơ sở may khẩu trang của chị cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn. Cán bộ Hội LHPN huyện Đức Phổ phấn khởi khi thấy cơ sở may khẩu trang của chị em phụ nữ ở xã Phổ Nhơn giải quyết được việc làm cho nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện.

 

Trước đây, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Đức Phổ mở lớp dạy nghề may mặc cho nhiều chị em trên địa bàn huyện, nhưng rất ít người có được việc làm. Đây là dịp để các chị được giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo baoquangngai online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video