Mô hình "Điểm sáng biên giới" của Hội LHPN tỉnh Bình Phước

30/09/2016
Bù Đốp và Lộc Ninh là 02 huyện biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước, tiếp giáp với huyện Keosima (tỉnh Mundulkiri), huyện Mimot (tỉnh Congpongcham) và huyện Sanua (tỉnh Kratie) của Camphuchia với đường biên giới dài 187.6 km trên địa bàn 13 xã.

Đây là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch nhắm đến để tổ chức các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; hàng ngày có nhiều người dân ở hai bên qua lại làm ăn, buôn bán, từ đó các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó có các loại tội phạm buôn bán người, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, đánh bạc và vi phạm quy chế biên giới, chặt phát rừng làm rẫy dễ nảy sinh, phức tạp…

Bên cạnh đó, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, tỷ lệ đồng bào dân tộc còn nhiều. Việc nhận thức và chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế, nhất là đối với chị em phụ nữ.

Từ thực trạng trên, để nâng cao nhận thức của phụ nữ và nhân dân huyện biên giới chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về quy chế biên giới; quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, hạn chế các loại hình tội phạm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ ANTT tuyến biên giới, BCH Hội LHPN huyện Bù Đốp đã tổ chức khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ. Qua đó đã xây dựng kế hoạch về việc thành lập một mô hình để chị em tham gia sinh hoạt. tham gia các hoạt động của địa phương và là nơi để giao lưu học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế bền vững. BTV Hội LHPN huyện đã phối hợp với các Đồn Biên phòng thành lập câu lạc bộ "Điểm sáng biên giới" tại 02 xã điểm là Tân Thành và Hưng Phước với 196 thành viên tham gia gồm cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng. Thông qua sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung về an ninh quốc phòng và quy chế biên giới; các văn bản liên quan đến phụ nữ và trẻ em; thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới để các thành viên hiểu đúng sự việc, phòng tránh các luận điệu xuyên tạc thông tin.

CLB cũng đã đứng ra phối hợp tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các thành viên CLB và nhân dân của xã; tổ chức thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ; phối hợp với Đồn biên phòng vận động giúp đỡ các thành viên CLB còn khó khăn về nhà ở, về cây con giống...; vận động phụ nữ và quần chúng nhân dân tham gia học lớp xoá mù chữ, tái mù chữ do cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đứng lớp. Các hoạt động này được Ban Chủ nhiệm CLB duy trì thực hiện thông qua các đợt sinh hoạt định kỳ và đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở đánh giá cao.

Nhận thấy tính hiệu quả của mô hình CLB "Điểm sáng biên giới", Hội đã tiến hành nhân rộng. Hiện nay toàn tỉnh có 11 câu lạc bộ với 1.025 thành viên tham gia.

Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, các câu lạc bộ "Điểm sáng biên giới" đã duy trì sinh hoạt định kỳ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ biên giới và cảnh giác với người lạ mặt qua lại biên giới, thường xuyên phối hợp với các đồn Biên phòng tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đối ngoại nhân dân và các phong trào, cuộc vận động của Hội cũng như của địa phương.

CLB đã vận động các thành viên giúp nhau trong sản xuất như đổi được hơn 800 công lao động, 3.250 kg lúa giống, 5.200 dây tiêu giúp cho 40 hộ, tặng 08 con dê giống cho 4 hộ; vận động 210 hộ hiến đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa trị giá hơn 1 tỷ đồng; xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng được 15 cụm dân cư; xây dựng được 5 căn nhà tình thương trị giá hơn 100 triệu đồng cho 5 thành viên CLB có khó khăn về nhà ở...

Phối kết hợp mở 05 lớp xoá mù chữ cho 106 người; chủ động báo và cung cấp 43 nguồn tin cho bộ đội biên phòng, trong đó có gần 30 nguồn tin có giá trị phục vụ kịp thời cho việc đấu tranh bảo vệ biên giới, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, buôn lậu; tham gia tuần tra cột mốc được 12 lượt, vận động được 25 hộ gia đình định canh, định cư ổn định cuộc sống; giúp thoát nghèo cho 12 hộ gia đình là thành viên CLB.

Mô hình câu lạc bộ "Điểm sáng biên giới" đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Kết quả hoạt động của câu lạc bộ, đã giúp rất nhiều chị em làm nghề buôn bán nông sản và thực phẩm qua lại biên giới nắm được các quy định pháp luật, tạo điều kiện làm ăn buôn bán, đồng thời giúp cho việc xây dựng củng cố mối đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp đề cùng chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ và nhân dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao kiến thức phòng chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội, xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc".
Hội LHPN tỉnh Bình Phước

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video