Mô hình sản xuất nấm rơm ở Nhơn Hậu (An Nhơn):

07/01/2006
Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh, từ tháng 9-2005 đến nay, HTXNN Nhơn Hậu (An Nhơn) đã triển khai xây dựng mô hình trồng nấm rơm tại 80 hộ gia đình trên địa bàn HTX, hiệu quả mang lại rất khả quan.

Nghề trồng nấm rơm từ lâu đã quen thuộc với nông dân Bình Định, được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do nông dân tự mày mò để làm, chưa thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nên năng suất chưa cao, lợi nhuận mang lại không nhiều. Qua nghiên cứu các ngành nghề để giải quyết lao động nông nhàn khi nông dân chuyển sản xuất từ 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa năm, một trong những nghề được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn là sản xuất nấm rơm. Bên cạnh đó, nghề trồng nấm cũng được ngành chức năng khuyến khích các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm thực hiện, để có thu nhập nhằm giảm bớt gánh nặng khó khăn, bởi hậu quả dịch cúm gia cầm.

Tháng 9-2005, TTKN tỉnh đã đầu tư 40 triệu đồng để triển khai mô hình trồng nấm rơm ở HTXNN Nhơn Hậu (An Nhơn), thực hiện tại 80 hộ gia đình trên địa bàn 5 thôn. Cán bộ kỹ thuật của TTKN phối hợp với HTXNN Nhơn Hậu tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm cho các hộ tham gia mô hình. Để tiện so sánh, đối chiếu, mô hình này được chia thành 8 cụm sản xuất, mỗi cụm gồm 10 hộ, với các phương pháp sản xuất nấm khác nhau: làm nấm rơm trên giàn, cấy mô trong nhà và cấy mô ngoài trời. Tất cả đều được sự theo dõi, hướng dẫn thường xuyên và chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật khuyến nông.

Sau 4 tháng triển khai, mô hình làm nấm rơm ở HTXNN Nhơn Hậu đã mang lại kết quả khả quan, năng suất nấm bình quân đạt từ 150 - 160kg/tấn rơm nguyên liệu, cá biệt có hộ đạt tới 170 kg/tấn rơm. Sản phẩm sản xuất ra, ngoài bán lẻ tại các chợ trên địa bàn, được các đầu mối ở thị trấn Đập Đá đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên… Với giá bình quân 15.000 đồng/kg nấm tươi, theo tính toán của Ban Chủ nhiệm HTXNN Nhơn Hậu, 1 tấn nguyên liệu rơm rạ sau 1 tuần sản xuất đạt khoảng 150 kg nấm tươi, thu nhập 1,96 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 770.000 đồng. Ngoài ra, bã nguyên liệu sau khi sản xuất được tận dụng làm phân vi sinh.

Ông Lê Văn Luận ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu cho biết: “Tham gia mô hình sản xuất nấm rơm, từ tháng 9-2005 đến nay, gia đình tôi mỗi tháng làm 4 đợt với 12 tấn rơm nguyên liệu, thu được 1.700 kg nấm. Với giá bán 20.000 đồng/kg, doanh thu trên 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời điểm hiện nay, giá nấm tươi đang nằm ở mức khá cao, bán sỉ dao động từ 20.000 đồng - 22.000 đồng/kg; bán lẻ 40.000 đồng/kg, cũng là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình.

Ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Với kết quả đáng phấn khởi của mô hình trồng nấm rơm tại HTXNN Nhơn Hậu, sắp tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này ra địa bàn toàn tỉnh. Sở NN-PTNT đã hoàn chỉnh đề án phát triển sản xuất nấm và đã được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh phê duyệt. Để giúp người dân phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, tập huấn quy trình kỹ thuật… Bắt đầu từ năm 2006, Công ty Cổ phần đường Bình Định được tỉnh giao chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc sản xuất nấm và liên hệ với các doanh nghiệp khác để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Về lâu dài, khi nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của tỉnh đi vào hoạt động sẽ lắp đặt dây chuyền đóng hộp sản phẩm nấm xuất khẩu…

Nguyễn Hân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video