Mô hình tập hợp nữ thanh niên tại TP Hồ Chí Minh

06/10/2008
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch chỉ đạo điểm của Đoàn Chủ tịch, từ ngày 21 đến 26/9/2008, Trung ương Hội đã cử đoàn công tác đi TPHCM làm việc với các cấp Hội LHPN Thành phố và chủ trì một số hoạt động với sự tham gia của đại diện các ban ngành liên quan như Đoàn TNCSHCM, Liên đoàn Lao động, Ban Dân vận.

Trong đợt công tác này, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với BCH Đoàn của Đại học Hoa Sen (Quận 1) và Đại học Sài Gòn (Quận 5), báo cáo tại Thành Hội kết quả khảo sát công tác tập hợp nữ thanh niên, việc thực hiện chức năng vai trò đại diện của Hội, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và bàn bạc thống nhất các giải pháp thực hiện. Đoàn cũng đã tiến hành tập huấn Nghị quyết TW 6 và Nghị quyết 11, các kỹ năng lãnh đạo như kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thương thuyết, kỹ năng trình bày cho cán bộ các cấp Hội TPHCM. Ngoài ra, đoàn công tác còn tổ chức hội thảo hoàn thiện mô hình tập hợp nữ thanh niên tại TPHCM.

TPHCM là địa phương có nhiều thế mạnh trong công tác tập hợp nữ thanh niên. Hội phụ nữ các cấp đã có nhiều cách làm, biện pháp hay trong tập hợp thu hút nữ thanh niên với các mô hình CLB sẵn có như Nhóm Nữ thanh Sen Hồng, CLB Nữ chủ nhà trọ, CLB Xa quê... Các ban ngành đoàn thể đánh giá cao vai trò của Hội phụ nữ các cấp, bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương chỉ đạo điểm của Hội. Cán bộ các cấp Hội đều nhất trí với chủ trương chỉ đạo điểm về công tác vận động nữ thanh niên, tâm huyết với công tác này.

Kết quả khảo sát của TW Hội cho thấy, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tỷ lệ thu hút nữ thanh niên tham gia Hội Phụ nữ tại TPHCM còn thấp. Trong số 1.238.890 hội viên phụ nữ ở TPHCM có 27,83% hội viên ở độ tuổi dưới 30. Nếu so với tổng số phụ nữ trong độ tuổi 18-30, tỷ lệ tập hợp NTN vào Hội mới chỉ chiếm 24,6%. Tỷ lệ này ở nữ lao động nhập cư còn thấp hơn nhiều, mới chỉ chiếm 4,38% lao động nhập cư toàn TP.

Các mô hình tập hợp, thu hút nữ thanh niên tại TPHCM tương đối đa dạng nhưng đều hình thành và phát triển một cách tự phát theo nhu cầu thực tế, chưa được lựa chọn đầu tư thoả đáng để có thể hoàn thiện thành mô hình kiểu mẫu tại địa phương và nhân rộng ở các địa bàn khác. Hiện tại, chưa có mô hình tập hợp nữ thanh niên tại các trường đại học, cao đẳng, KCN-KCX. Các mô hình tập hợp nữ thanh niên tại các trường đại học, cao đẳng, KCN-KCX nhìn chung còn thiếu hoặc yếu. Tuy nhiên, qua làm việc với Ban lãnh đạo và cán bộ Đoàn Trường Đại học Hoa Sen và Đại học Sài Gòn, điều đáng mừng là tổ chức Đoàn phối hợp với Hội sinh viên triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về các nữ sinh như hoạt động của CLB Kim Anh, CLB Nữ sinh Hoa Sen (ĐH Hoa Sen), CLB Bạn gái trẻ, CLB Sống đẹp, CLB Nhịp sống trẻ (ĐH Sài Gòn) với nhiều sinh hoạt, chương trình ý nghĩa như “PN và hiện đại hoá những nhận thức và trải nghiệm về giới”, “Phụ nữ thời @”, “Nỗi sợ hãi của người phụ nữ, có hay không?” (ĐH Hoa Sen), “Vẻ đẹp nữ sinh sư phạm”, “Chương trình cắt tóc miễn phí”... (ĐH Sài Gòn). Tuy nhiên, hầu như chưa có sự phối hợp giữa Hội phụ nữ địa phương với các trường đại học trên địa bàn.

Mặc dù BCH Đoàn các trường đều đề cao vai trò của Hội Phụ nữ nhưng có thể nhận thấy rằng họ hoạt động tương đối độc lập với các đoàn thể bên ngoài nhà trường. Đối với các KCN-KCX, việc triển khai mô hình tập hợp nữ thanh niên cũng rất khó khăn khi không có cơ chế phối hợp, nữ công nhân thường lao động bận rộn, không có thời gian tham gia các hoạt động tại nơi làm việc. Từ thực tế đó, các cấp Hội LHPN trong Thành phố đều cho rằng, cách tập hợp nữ thanh niên từ địa bàn dân cư là thuận lợi, hiệu quả nhất, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Mô hình tập hợp nữ thanh niên khu phố, nữ sinh viên đại học, cao đẳng, nữ công nhân KCN-KCX cũng như các hoạt động dành cho họ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nhiều nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể, đặc biệt là sự phối hợp của Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Liên đoàn lao động là ba tổ chức có thể đại diện cho tiếng nói và quyền, lợi ích hợp pháp của nữ thanh niên nói chung.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi 2 mô hình tập hợp nữ thanh niên được các phường lựa chọn làm điểm. Phường Linh Trung đưa ra Mô hình tập hợp nữ công nhân lao động với mục tiêu phấn đấu đến năm 2011 nâng tỷ lệ hội viên dưới 30 tuổi vào tổ chức Hội lên 50% (hiện nay đạt 25%). Tháng 9/2008 ra mắt CLB Nữ thanh Khu phố 4. Tháng 10/2008 ra mắt CLB Nữ thanh khu lưu trú Neisei, vận động các nữ thanh khác cùng tham gia. Tháng 11/2008 - 3/2009: tiếp tục nhân rộng mô hình sang các khu phố 1,3,5,6 và 2 khu lưu trú còn lại, phát triển thành viên mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB. Phường Linh Trung nhấn mạnh việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho nữ công nhân lao động, chăm lo đời sống nữ công nhân.

Với mô hình Nhóm nữ thanh Sen Hồng - thành viên là nữ sinh viên nhà trọ và nữ thanh khu phố, Hội PN Phường 3, Quận 5 phấn đấu nâng cao tỷ lệ tập hợp các loại hình đa dạng của Hội trong nữ thanh niên trên địa bàn, nữ sinh viên trên các trường Đại học đang sống trong các nhà trọ. Bên cạnh đó tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức về mọi mặt, đồng thời giáo dục kiến thức giới, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân… qua đó phát triển các nhân tố tích cực trở thành hội viên phụ nữ, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận cho Hội. Trên cơ sở làm điểm mô hình nhóm Sen Hồng ở phường 3 sẽ nhân rộng trên 15 phường của Quận 5.

Có thể nói, 2 mô hình “Nhóm nữ thanh Sen Hồng” và “Mô hình tập hợp nữ công nhân lao động” đã bao quát được các đối tượng nữ sinh viên, nữ công nhân và nữ thanh khu phố. Hy vọng rằng các mô hình này sẽ góp phần tăng tỷ lệ thu hút nữ thanh niên là sinh viên, nữ công nhân, nữ thanh khu phố. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này ra các phường khác trong quận cũng như các địa phương khác cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng địa bàn như ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng sinh hoạt và tính bền vững của các mô hình này, ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội, rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của cấp uỷ và các tổ chức địa phương. Đây cũng là cơ sở để Hội tiếp tục vận động chính sách và tạo cơ chế hoạt động phối hợp trong tương lai./.

                                                                                                    TP Hồ Chí Minh 27/9/2008

Dương Kim Anh
Trung tâm Nghiên cứu, Trường Cán bộ PNTW

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video