Mô hình tổ hợp tác làm chổi đót ở thôn Ku Pua, Quảng Trị

04/04/2014
Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, qua đó phát huy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; được sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Hội LHPN cấp trên, Hội LHPN xã Đakrông đã thành lập mô hình tổ hợp tác làm chổi đót ở thôn Ku Pua hoạt động có hiệu quả, giúp hội viên, phụ nữ miền núi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Đakrông là một xã miền núi, đời sống của phụ nữ trên địa bàn còn nhiều khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy, thu nhập không ổn định, tình trạng phụ nữ thất nghiệp, thiếu việc làm chiếm hơn 50 %. Trước thực tế đó, để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gia đình cho hội viên, phụ nữ, Hội LHPN xã Đakrông đã vận động chị em tham gia tập huấn làm chổi đót do Hội Phụ nữ huyện tổ chức; đồng thời vận động chị em thu mua nguồn đót có sẵn trên địa bàn để làm chổi. Thấy 4 đến 5 hộ làm có hiệu quả, khai thác được tiềm năng, nguồn lực sẵn có, tăng nguồn thu nhập cho gia đình, các hộ được tập huấn liền rủ nhau làm theo.

Từ kết quả ban đầu, để phát triển ngành nghề, tạo việc làm thường xuyên cho chị em, Hội LHPN xã Đakrông đã thành lập tổ hợp tác làm chổi đót ở thôn Ku Pua với 20 hộ tham gia. Các hộ trong tổ hợp tác đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển ngành nghề ở nông thôn, tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, về vốn. Chổi của chị em làm rất tốt, được kết bền và chắc chắn, cọng đót vàng óng và bóng, cán chổi thẳng và nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà (Quảng Trị), chợ Đông Ba (Huế) đã tìm đến thu mua với giá phù hợp. Mỗi hộ mỗi ngày sản xuất hơn 15 cái chổi, cho thu nhập mỗi năm được 12 triệu đồng, cao nhất 20 triệu đồng như hộ chị Hồ Thị Lý, Hồ Thị Mó…

Nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hộ phát triển tổ hợp tác, Ngân hàng Chính sách -Xã hội huyện đã giải ngân vốn giải quyết việc làm cho 20 hộ với tổng số vốn 150 triệu đồng, tạo điều kiện cho các hộ thu mua đót, tạo việc làm cho hơn 30 lao động trên địa bàn.

Mô hình tổ hợp tác chổi đót đã khôi phục lại nghề truyền thống của địa phương. Chị em thôn Ku Pua ngoài thời gian lên rẫy có việc làm ổn định, đã tự tin, mạnh dạn hơn trước. Các thành viên trong tổ hợp tác rất tích cực hỗ trợ nhau lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Đặc biệt, đối với nhiều chị em nghèo, thiếu vốn sản xuất, các hộ sẵn sàng tạm ứng nguồn đót đến khi có thu nhập từ bán chổi, mới thu lại vốn. Nhiều chị vươn lên thoát nghèo như hộ chị Hồ Thị Mộc, Hồ Thị Lý, Hồ Thị Mó…

Để tổ hợp tác phát triển quy mô hơn và tạo được thương hiệu cho sản phẩm , cần có sự hỗ trợ hơn nữa về kinh phí, kỹ thuật, quảng bá để giúp hội viên, phụ nữ liên kết để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân và tìm hướng tiêu thụ tốt, lâu dài cho sản phẩm.

Phương Thiện, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video