Mô hình tổ liên kết nghề của Hội LHPN tỉnh Thái Bình: Phát huy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

06/01/2016
Xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại là nhu cầu liên kết ngày càng đa dạng. Liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường là yếu tố "đẩy" ; còn yếu tố "kéo" chính là thị trường tiêu thụ đầu ra được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Mối liên kết này giúp loại bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, đem lại lợi ích cho nông dân. Từ nhận thức này, thời gian qua, với sự hỗ trợ của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã thí điểm thực hiện 2 mô hình: Tổ liên kết tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm rau màu xuất khẩu cho phụ nữ nông thôn (tại xã Dân Chủ huyện Hưng Hà) và mô hình Tổ liên kết nghề (xã Tây An huyện Tiền Hải).

Tổ liên kết tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm rau màu xuất khẩu cho phụ nữ nông thôn

Chiếm 52% dân số và 56% lao động trong nông nghiệp, phụ nữ Thái Bình đang đóng góp rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người lao động chỉ quen thâm canh theo cách truyền thống, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không hợp lý, tốn nhiều công lao động, giá trị sản phẩm không cao, gặp nhiều rủi ro, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp; ngoài ra chưa tận dụng triệt để thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ, do vậy đời sống của một bộ phận phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2015, mô hình "Tổ liên kết tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm rau màu xuất khẩu cho phụ nữ nông thôn" được thực hiện tại xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà với 30 phụ nữ trong độ tuổi lao động được Hội LHPN tỉnh lựa chọn. Đây là những chị em có khả năng quản lý kinh doanh, tự nguyện tham gia thực hiện mô hình trên vùng quy hoạch vùng sản xuất rau màu xuất khẩu tập trung của xã. Mô hình thực hiện theo quy trình 3 trong 1 (Doanh nghiệp- tổ hợp thu mua- hộ sản xuất sản phẩm cây rau màu). Các chị trong tổ bầu 01 tổ trưởng vừa trực tiếp sản xuất vừa chịu trách nhiệm ký hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương để cung ứng các loại cây trồng phù hợp với đất đai và khí hậu của địa phương là dưa chuột, ngô ngọt, bí ngô. Thành viên trong tổ liên kết được doanh nghiệp hỗ trợ các giống trên, cam kết và có sổ sách bàn giao, thông báo cụ thể lịch gieo trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm; được các chuyên gia nông nghiệp tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng cây màu xuất khẩu, sơ chế và đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn sau thu hoạch.

Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN xã cùng với cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, kịp thời phát hiện những khó khăn vướng mắc hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các thành viên từ khâu gieo trồng, chăm sóc, phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại… Sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, 15 ha trong mô hình tổ liên kết đã thu được 20 tấn dưa chuột, 24 tấn ngô ngọt,60 tấnbí ngô xuất khẩu và  đang tiếp tục thu hoạch, ước cho thu nhập tăng 2 -3 lần so với cấy lúa. 

Với cách làm này, đã tạo việc làm thường xuyên cho các hộ gia đình thành viên của tổ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm rau sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Mô hình sẽ tiếp tục được duy trì và sẽ được nhân rộng để tăng thêm số hộ gia đình được tham gia, thực hiện bằng số kinh phí cho chị em mượn để mua giống cây năm tới sẽ được quay vòng cho chị em khác mượn.

Tổ liên kết nghề thủ công mỹ nghệ cho phụ nữ sau học nghề

Được triển khai thí điểm tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, mô hình "Tổ liên kết nghề thủ công mỹ nghệ cho phụ nữ sau học nghề” xuất phát từ thực tế địa phương là một xã thuần nông, xa trung tâm huyện, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp; mặc dù xã có nghề đan, móc túi xuất khẩu và túi thời trang, song vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm làm ra qua nhiều khâu trung gian nên giá thành thấp. Năm 2015, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN xã tập hợp 30 thành viên là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã qua lớp học nghề móc sợi xuất khẩu nhưng tay nghề chưa cao, tự nguyện tham gia vào tổ liên kết nghề thủ công mỹ nghệ tham gia mô hình.

Mô hình được thực hiện theo quy trình khép kín. Căn cứ vào đơn đặt hàng doanh nghiệp nhận được từ các bạn hàng trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp tổ chức giới thiệu mẫu sản phẩm đến các thành viên trong tổ, phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề móc các loại hàng xuất khẩu cho các thành viên. Sau tập huấn, tổ liên kết ký hợp đồng với doanh nghiệp các mẫu có thể làm được như hàng hộp sợi xuất khẩu, mũ, túi cói ... và bàn giao nguyên liệu, thời gian thu nộp sản phẩm cho thành viên tùy theo tay nghề của mỗi người. Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, Hội LHPN các cấp phối hợp với cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ phế phẩm. Sau 6 tháng thực hiện, các thành viên trong tổ đã tạo ra 450 sản phẩm các loại đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt cả thị trường giàu tiềm năng như Đức, Nhật, Nga; giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 30 hộ gia đình hội viên phụ nữ, thu nhập của các thành viên tổ liên kết, bình quân 3 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động của mô hình và mở rộng liên kết với một số doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, cung cấp thêm nguyên liệu, mẫu mã cho tổ liên kết làm với mức thu nhập cao hơn và thu hút các thành viên tham gia tổ liên kết nhằm tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương.

Việc triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình tổ liên kết cho thấy hiệu quả mô hình mang lại, đó là tạo điều kiện cho người lao động nâng cao tay nghề, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao mức thu nhập cho người dân. Các thành viên trong tổ liên kết lao động tập trung, vì vậy gắn bó với nhau hơn, đùm bọc chia sẻ những kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong sản xuất; tạo cho chị em ý thức, tác phong của sản xuất hàng hóa đảm bảo tính liên kết, đây là yếu tố rất cần thiết đối với người nông dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mô hình kết nối được thị trường đầu ra, thu hút nhà đầu tư, đơn vị cung ứng dịch vụ, hỗ trợ phương thức kinh doanh ngay tại địa phương, chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, tạo uy tín cho sản phẩm, giúp các thành viên yên tâm phát triển sản xuất.

Mô hình triển khai đã giải quyết việc làm, giảm nghèo, hạn chế các loại tội phạm, TNXH; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và mang lại kinh tế cho các hộ gia đình; đồng thời phát huy chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, phụ nữ của Hội LHPN; góp phần cùng địa phương đạt và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới; thực hiện hiệu quả Chương trình tái cơ cấu Nông nghiệp tỉnh Thái Bình bền vững.

Lê Thị Phượng, Hội LHPN tỉnh Thái Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video