Mô hình tổ nghề nghiệp phụ nữ Sơn Định góp phần xây dựng nông thôn mới

13/03/2013
Chăm lo đời sống cho hội viên luôn được Hội LHPN xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre) quan tâm. Đặc biệt là từ khi địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để cải thiện và nâng cao đời sống của phụ nữ. Thành lập các tổ nghề nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm tăng thu nhập cho chị em trong lúc nhàn rỗi.

Một trong những mô hình đạt hiệu quả cao phải kể đến tổ kết cườm ấp Sơn Phụng. Tổ có 47 thành viên, do chị Nguyễn Thị Cẩm Lan làm tổ trưởng. Chị Lan cho biết, theo đơn đặt hàng của một công ty ở TP.HCM, mỗi tuần tổ gia công kết cườm trung bình khoảng 1000 sản phẩm. Giá trị của mỗi sản phẩm tùy thuộc vào độ khó của hàng mẫu. Phụ nữ vốn tỉ mỉ, khéo léo do đó việc tiếp cận với nghề thủ công này đối với chị em phụ nữ không mấy khó khăn.

“Do không phải làm việc tập trung nên các chị có thể chủ động về thời gian, sau khi lãnh hàng về nhà gia công, tranh thủ làm xong việc nhà thì mang ra làm, nếu khéo tay và siêng năng, mỗi chị có khả năng gia công hoàn chỉnh từ 5-6 cái áo, mỗi ngày kiếm thêm từ 40.000-50.000 đồng”, chị Lan vui vẻ nói.

Hiện nay, Hội LHPN xã Sơn Định có 2.300 hội viên, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm vườn. Tận dụng thời gian nông nhàn, nhiều chị em mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nắm bắt nhu cầu đó, Hội LHPN xã đã tập hợp các chị em tổ chức xây dựng các mô hình tổ nghề nghiệp, với nhiều ngành nghề khác nhau. Sự ra đời của 15 mô hình tổ nghiệp phụ nữ cho đến nay đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 300 chị em.

Chị Dương Thị Mỹ So - Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Định cho biết: “Tới đây, Hội phụ nữ sẽ nhân rộng các mô hình tổ nghề nghiệp phụ nữ trong toàn xã, tham mưu đề xuất hội cấp trên cho vay vốn mở rộng mô hình nếu có nhu cầu. Đồng thời tiếp tục vận động chị em tham gia các tổ nghề nghiệp, vừa tạo thu nhập cho gia đình vừa góp phần giúp địa phương thực đạt tiêu chí về thu nhập và cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới”.

Hiệu quả từ các mô hình tổ nghề nghiệp ở xã Sơn Định góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Cùng với sự phát triển của các mô hình này là số lượng chị em đăng ký tham gia hoạt động hội ngày càng tăng, qua đó thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển.

Theo Việt Cường, bentre.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video