Mô hình Tổ phụ nữ hùn vốn chuộc đất, cất nhà và Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp và ở Tam Nông (Đồng Tháp)

25/11/2009
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp về hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung xây dựng các mô hình mới tập hợp hội viên, trong đó có mô hình câu lạc bộ nữ doanh nghiệp và tổ phụ nữ hùn vốn chuộc đất, cất nhà.

Hùn vốn để chuộc đất, cất nhà

Xuất phát từ thực tế của người dân nông thôn, mô hình tổ phụ nữ hùn vốnchuộc đất, cất nhà ở Tam Nông đã ra đời.

Những năm đầu thành lập huyện, người dân Tam Nông vất vả ra sức khai hoang mở đất sản xuất nông nghiệp, do điều kiện tự nhiên không ưu đãi, đất bạc màu vì bị nhiễm phèn nặng, người dân sản xuất nông nghiệp bị mất mùa, có hộ phải nhượng quyền sử dụng hoặc cầm cố đất để có tiền sinh sống. Một số hộ đi xa, một số ở lại địa phương làm thuê, làm mướn ngay chính mảnh đất của mình.

Trước thực trạng trên, để giúp cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nông thôn có chổ ở ổn định và có điều kiện chuộc lại đất sản xuất, BTV Hội LHPN huyện Tam Nông đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, trong đó có giải pháp thành lập tổ phụ nữ hùn vốn cất nhà và chuộc đất.

Mục đích hoạt động của tổ này nhằm tạo mối đoàn kết trong chị em, phát huy sức mạnh tập thể huy động vốn hỗ trợ lẫn nhau để các chị có điều kiện cất nhà và chuộc lại ruộng đất để canh tác, vừa giải quyết việc làm, vừa giúp cho các chị có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo.

Để thành lập được mô hình tổ hùn vốn chuộc đất, cất nhà. BTV Hội LHPN huyện đã chọn xã Phú Thành B làm điểm thực hiện mô hình:

Bước đầu, BTV Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch hướng dẫn cho Hội LHPN xã về cách tổ chức thực hiện mô hình và cử đ/c chủ tịch Hội LHPN huyện đến gặp trực tiếp với Đảng uỷ xã để bàn kế hoạch hỗ trợ cho Hội LHPN xá thành lập mô hình này.

Thời gian đầu vận động các thành viên vào tổ BCH phụ nữ xã gặp không ít khó khăn bởi vì chị em chưa thật sự tin tưởng vào mô hình này, có nhiều chị đắn đo lo ngại “gia đình kiếm được đồng tiền vất vả lắm, số tiền hùn vào tổ khá cao không biết sau này chúng tôi có được nhận lại hay không?” Hiểu được tâm lý lo lắng của chị em, để tạo lòng tin ở các chị, BTV Hội LHPN huyện đề ra tiêu chuẩn bình chọn cán bộ quản lý tổ phải là những chị có uy tín, có điều kiện về kinh tế, các thành viên tham gia vào tổ phải có việc làm ổn định, có uy tín với cộng đồng. Căn cứ vào tiêu chuẩn đó giải thích cho chị em hiểu. Kết quả bước đầu đã vận động được 15 chị tham gia vào tổ hùn vốn do đ/c Trưởng ban VSTBCPN xã ký quyết định thành lập. Các thành viên trong tổ đã thống nhất quy chế hoạt động tổ (do BCH phụ xã dự thảo) và tự nguyện mức hùn vốn của mỗi người là 3.000.000đồng/chị/mùa vụ; đóng tiền và phát vốn cho 01 thành viên trong cuộc họp đầu tiên.

Trpng các kỳ họp tổ, Ban quản lý tổ mở sổ theo dõi danh sách hùn vốn của các thành viên, và ghi biên bản diễn biến nội dung cuộc họp vơi sự tham gia chỉ đạo của đ/c Bí thư Chi bộ ấp. Mức vốn huy động trung bình của tổ từ 45 triệu đồng dần lên đến 60 triệu đồng và mỗi kỳ hùn vốn giúp cho 1 chị mượn để chuộc lại đất, cất nhà.

Từ 01 mô hình tổ hùn vốn chuộc đất, cất nhà năm 2008, đáp ứng theo nguyện vọng của nhiều hội viên, phụ nữ Hội LHPN huyện đã tiếp tục thành lập mới thêm 2 tổ nữa với 32 thành viên tham gia, mức hùn thấp nhất là 3.000.000 đồng và cao nhất là 5.000.000 đồng giúp cho 6 chị mượn. Kết quả đã có 4 chị sử dụng vốn để chuộc lại đất, 2 chị mua sắm vật tư cất nhà. Các thành viên được mượn vốn vui mừng tâm sự: “Nhiều năm qua gia đình của tôi không tiền chuộc đất phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, nhờ Hội LHPN tổ chức mô hình này mà tôi có tiền chuộc lạiruộng đất của mình”.

Mô hình hùn vốn chuộc đất, cất nhà không chỉ thu hút hội viên, phụ nữ tham gia mà có nhiều nam giới cũng xin tự nguyện tham gia vào tổ hùn vốn của phụ nữ. Dự kiến, thời gian tới Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nhân rộng cho các xã, thị trấn trong toàn huyện thực hiện mô hình này.

Kết nối các nữ doanh nhân

Sau khi kế hoạch thành lập mô hình CLB Nữ doanh nghiệp và tổ phụ nữ tiểu thương được Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp chấp thuận. Hội LHPN huyện Tam Nông đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể cho địa phương về mô hình này trình Đảng uỷ xã xem xét, đồng ý cho triển khai. Hội LHPN các xã, thị trấn đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCH khảo sát nắm nhu cầu nguyện vọng chị em, lập danh sách các thành viên đăng ký tham gia và được Tiểu ban VSTBPN xã ban hành quyết định thành lập CLB, tổ phụ nữ tiểu thương.

BCH Hội LHPN xã chọn thời gian, địa điểm, thông báo các thành viên tham gia buỏi ra mắt CLB lần đầu tiên. Nhiệm vụ của các CLB là: Thu thập và cung cấp thông tin nhiều chiều cho thành viên thúc đẩy doanh nghiệp, tiểu thương phát triển bền vững; phản ánh tâm tư nguyện vọng của các thành viên với các ngành chức năng, đoàn kết tập hợp doang nghiệp, tiểu thương với mục tiêu phát triển bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà giàu mạnh; tổ chức các hoạt động văn hoá tinh thần theo sở thích nhằm khích lệ lòng yêu nghề, sự tự tin phấn khởi trong lao động. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng quý, mỗi quý sinh hoạt một lần.

Để CLB đi vào nề nếp, đạt hiệu quả, BTV Hội LHPN huyện đã tổ chức mở lớp tập huấn cho Ban chủ nhiệm CLB nữ doanh nghiệp và Ban quản lý tổ phụ nữ tiểu thương. Nội dung của lớp tập huấn là: Hướng dẫn chị em kỷ năng điều khiển sinh hoạt CLB; cách xây dựng quy chế hoạt động CLB; cách xây dựng chương trình và chọn chủ đề sinh hoạt CLB; thực hành, sắm vai tại lớp.

Hơn 2 năm tổ chức hoạt động, toàn huyện Tam Nông thành lập được 4 câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp, CLB Tiểu thương với 95 thành viên và 23 tổ phụ nữ tiểu thương với 533 thành viên, Các CLB và Tổ phụ nữ này đã thực hiện được các nội dung sinh hoạt như: Nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực kinh doanh mua bán như Luật thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện các hoạt động tương thân, tương ái hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình; trao đổi thông tin chia sẻ kinh nghiệm hay trong kinh doanh mua bán; hướng dẫn cách tiếp thị, giao tiếp với khách hàng, ứng xử văn hoá trong kinh doanh mua bán...

Các thành viên của CLB nữ doanh nghiệp còn được tham gia các lớp tập huấn về Khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh do Hội LHPN huyện tổ chức. Bên cạnh đó, các chị còn có dịp gặp gở, chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, tham gia các hoạt động của Hội, tiếp cận kiến thức, cách chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và xây dựng cuộc sống gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan,tham gia giao lưu văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao.v.v...

Thông qua CLB nữ doanh nghiệp, Hội LHPN đã trở thành cầu nối hai chiều làm cho hội viên và các doanh nghiệp nữ cùng phát triển, góp phần nâng cao uy tín của Hội.

Để CLB hoạt động thêm phong phú chị em đã tình nguyện tham gia xây dựng quỹ CLB. Số quỹ của CLB đóng góp hàng năm có từ 2 triệu đến 20 triệu đồng, có CLB gửi tiền quỹ vào Ngân hàng để hàng tháng rút lãi chi cho hoạt động sinh hoạt CLB hoặc hùn vốn giúp cho các thành viên có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiền quỹ thường chi cho hoạt động sinh hoạt CLB, thăm hỏi chị em lúc ốm đau, mua quà khen thưởng động viên con em thành viên CLB đạt danh hiệu học sinh giỏi, ủng hộ quỹ địa phương. Ngoài ra CLB còn tổ chức cho chị em tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp...

Mô hình CLB nữ doanh nghiệp ở Thị trấn Tràm Chim đã và đang tạo ra một cộng đồng đoàn kết cùng nhau xây dựng môi trường văn hoá trong kinh doanh, hỗ trợ nhau về nhiều mặt để cùng phát triển. Mặc dù mới thành lập và bước đầu đi vào hoạt động còn gặp không ít khó khăn nhưng những gì mà CLB nữ doanh nghiệp làm được là đáng ghi nhận, cho thấy sự ra đời của CLB nữ doanh nghiệp, CLB và tổ phụ nữ tiểu thương là một hướng đi đúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn, tạo mối liên kết chặt chẽ, tạo môi trường trao đổi, truyền tải thông tin nhanh chóng của các doanh nghiệp. Thành công trong xây dựng mô hình CLB nữ doanh nghiệp đã góp phần thu hút đông đảo hội viên tham gia, gắn bó giữa doanh nghiệp với tổ chức Hội, góp phần vào thành tích chung của công tác Hội và phong trào phụ nữ của huyện Tam Nông.

Kinh nghiệm sẻ chia

Từ thực tế đạt được, để 2 mô hình câu lạc bộ nữ doanh nghiệp và tổ phụ nữ hùn vốn chuộc đất, cất nhà đạt hiệu quả, các cấp Hội LHPN huyện Tam Nông đã rút ra được các kinh nghiệm sau:

1. Phải có sự chỉ đạo đồng bộ của Hội cấp trên, sự quan tâm lãnh chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẻ, nhịp nhàng của các Ban, ngành, đoàn thể, sự thống nhất của Ban chấp hành Hội, và sự ủng hộ của chị em phụ nữ.

2. Hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ phải luôn được lồng ghép với các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

3. Các thành viên trong CLB, tổ phụ nữ phải có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và tổ chức tốt cuộc sống gia đình.

Thùy Linh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video