Mô hình ủ rác thải làm phân hữu cơ góp phần làm sạch môi trường

17/12/2019
Để giảm thiểu tối đa lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” để bón cho cây trồng. Đây là một hoạt động rất cần thiết để giúp người dân có thói quen phân loại rác thải ngay tại gia đình, đã góp phần làm sạch môi trường.
Rác thải sinh hoạt được thu gom phân loại được đổ vào hố ủ

Mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông được triển khai vào tháng 5/2019 và thí điểm tại 2 hộ gia đình thuộc khu phố Xuân Lưu. Mô hình này đã được cán bộ Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam hướng dẫn từ việc đào hố, phân loại rác cho đến cách ủ và sử dụng phân hữu cơ thu được để bón cho cây trồng.

Quy trình ủ khá đơn giản, chỉ cần sử dụng thùng phi nhựa hoặc đào hố ủ với diện tích tùy theo số lượng rác sinh hoạt của gia đình, rác thải hữu cơ được phân loại như: lá cây, thức ăn thừa, rau cỏ, trái cây hư… tất cả được cho vào hố ủ có nắp đậy nhằm tránh ruồi muỗi hay các con vật vào đẻ trứng.

Trong quá trình ủ tưới chế phẩm Emuniv vào rác thải để khử mùi hôi

Rác thải sau khi được thu gom vào hố được trộn với chế phẩm vi sinh Emuniv (được bán phổ biến) pha sẵn theo tỷ lệ 2 thìa vi sinh, 10 thìa đường, 1 lít nước sạch. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng giúp quá trình ủ diễn ra nhanh chóng, bởi chế phẩm Emuniv không những thân thiện với môi trường, mà còn có tác dụng chuyển hóa lân khó tiêu (quặng phot phat, phot phat hữu cơ) thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được, sinh chất kích thích tăng trưởng thực vật, phân hủy nhanh bùn, bã hữu cơ, khử mùi hôi của rác thải, ức chế và tiêu diệt các vi khuẩn mầm bệnh có hại.

Trong phương pháp làm phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, thì bước đảo trộn và điều chỉnh độ ẩm cũng cần được chú ý. Sau khoảng 3-4 ngày, ta tiến hành đảo trộn và kiểm tra độ ẩm, nếu bóp thấy rác dính chặt, không có nhiều nước rỉ ra thì độ ẩm đạt yêu cầu. Sau 30-40 ngày, lượng rác thải đã được ủ thành phân hữu cơ tơi xốp, màu đen không mùi và có thể đưa vào sử dụng bón cho các loại cây cảnh, cây ăn quả.

Sau khi trộn đều, hố được đậy nắp và ủ trong 30-40 ngày

Dù mô hình mới chỉ đang ở mức thí điểm, tuy nhiên, ý tưởng “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” được đề ra và thực hiện đã giúp cho việc giảm thiểu rác thải sinh hoạt thải ra mỗi ngày, nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc giữ giữ gìn bảo vệ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa số lượng thu gom rác thải sinh hoạt mỗi ngày là 1.318,44 tấn. Rác thải được tái sử dụng và tái chế là 381,64 tấn/ngày. Trước những báo cáo số liệu đáng báo động về tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt tăng lên mỗi ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông đang triển khai mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai. Ý tưởng gây được sự chú ý của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp lại góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Bà Vũ Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông và là một trong những hộ dân được thí điểm mô hình này cho biết: “Được sự hỗ trợ từ huyện Đông Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông đang thí điểm mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ”, sau gần 2 tháng thực hiện, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, lượng rác thải sinh hoạt trong gia đình giảm trông thấy, đảm bảo vệ sinh môi trường, không những vậy, cây cối được bón từ phân thu được xanh tốt và đạt năng suất cao hơn. Mô hình sẽ sớm được nhân rộng trên địa bàn tỉnh”.

 

baotainguyenmoitruong.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video