Mô hình vay vốn có hiệu quả

06/12/2007
Cuối năm 2007, trong chuyến đi nắm tình hình vay vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cho thấy kết quả: sau một thời gian vay vốn từ 2004 đến nay có khoảng 80% chị em vay vốn làm ăn có hiệu quả; 10% thoát nghèo bền vững và 10% hiệu quả không cao. Ngoài ra chị em còn được tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản kể cả cây ăn trái v.v…

Đến gia đình chị Lê Thị Thu là Chi hội trưởng phụ nữ ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm, huyện Dầm Dơi của tỉnh Cà Mau, gia đình khó khăn. Sau khi vay vốn 2 lần, mỗi lần 3 triệu đồng, chị mua heo giống về nuôi bán ra 2 lượt trong vòng 8 tháng gồm 8 con heo thịt, trừ vốn và lãi vay ngân hàng cộng với thực phẩm cho heo ăn, tiền lãi thu được 9.500.000 đồng. Khi tình hình dịch bệnh heo tai xanh xảy ra chị quyết định không nuôi heo mà chuyển sang sử dụng mặt bằng tại chỗ tạo việc làm cho 2 đứa cháu sửa xe gắn máy, còn chị thì sử dụng tiền lãi vừa bán heo mua máy bơm hơi và phụ tùng xe gắn máy bán, thu nhập mỗi ngày từ 150.000 đ đến 300.000 đ. Cuộc sống gia đình chị ổn định và chị đã yên tâm công tác Hội rất tốt. Trường hợp của chị Đoàn Thị Thêm ở ấp Bà Chăn A xã Châu Thới huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu: chị vay vốn 3 vòng, mỗi vòng 8 triệu; chị nuôi heo nái, heo thịt, nấu rượu bán lấy hèm cho heo ăn, qua vòng vốn tiếp theo chị phát triển thêm nuôi cá, nuôi gà, làm ruộng v.v…Nhờ vậy mà chị thật sự thoát nghèo và tích cực tham gia công tác Hội tại ấp.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ việc vay vốn, muốn thoát nghèo là phải chọn đúng đối tượng biết chí thú làm ăn, được trang bị kiến thức và cần nhất là phải năng động, kịp thời chuyển đổi vật nuôi cây trồng cho phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.

Nguyễn Thị Huệ
Ban công tác phía nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video