Mở hướng phát triển làng nghề ở An Giang

14/08/2012
An Giang hiện có 34 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề đã hình thành từ vài chục đến trên 100 năm, nổi tiếng nhất là các làng nghề: Se nhang, lưỡi câu (TP Long Xuyên); dệt chiếu Uzu, Lãnh Mỹ A (Thị xã Tân Châu); dệt thổ cẩm, đường thốt nốt (huyện Tịnh Biên); mộc, chằm nón (Chợ Mới)...

Các làng nghề này thu hút 6.331 hộ làm nghề, tạo việc làm tại chỗ cho gần 19.000 lao động nông thôn, trong đó chiếm trên 70% là phụ nữ, mang lại thu nhập bình quân là 1,3 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian gần đây, hầu hết các làng nghề gặp khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ. Tình hình trên đã khiến nhiều lao động nữ phải bỏ nghề, một số làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Để cứu các làng nghề, tạo cơ hội cho người lao động, nhất là lao động nữ, có cơ hội được sống bằng nghề truyền thống, tỉnh An Giang đã xác định nhiều giải pháp tập trung hỗ trợ. Theo đó, trong vòng 2 tháng tới, tỉnh huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách, chương trình khuyến công, ngân hàng với tổng số vốn trên 16 tỉ đồng, tập trung cho các làng nghề quảng bá sản phẩm; chi phí tham gia hội chợ. Trong đó, tỉnh ưu tiên 77,5% trong tổng nguồn vốn để giải ngân vốn vay ngân hàng và hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng.

Ngoài Ngân hàng Đầu tư Phát triển, Sở Công thương tỉnh còn tranh thủ với Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết cho các hộ làng nghề có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp, tranh thủ xem xét cho vay tín chấp đối với hộ, cơ sở không có điều kiện thế chấp, đồng thời giao cho Hội phụ nữ địa phương tổ chức giám sát và thu hồi vốn xoay vòng cho hộ, cơ sở khác.

Việc đề ra chính sách hỗ trợ này được hầu hết hộ sản xuất ở các làng nghề mong đợi, vì đó là giải pháp thiết thực, đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng nhằm mở hướng cho các làng nghề phát triển, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Theo Phụ nữ Việt Nam (PD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video