Mỗi năm phụ nữ mất gần 7 tháng cho các công việc không lương

24/10/2017
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ dành trung bình 4,5 giờ/ ngày cho công việc chăm sóc không lương, 32 giờ/tuần, 207 ngày/ năm. Như vậy, mỗi năm mỗi phụ nữ mất gần 7 tháng cho các công việc chăm sóc không lương

Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) vừa phối hợp cùng tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) tổ chức công bố báo cáo nghiên cứu "Công việc chăm sóc không lương – San sẻ là yêu thương". Các chuyên gia từ ActionAid Việt Nam cho biết, hiện nay phụ nữ vẫn dành thời gian cho các công việc chăm sóc không lương như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái...nhiều hơn nam giới, cũng như dành nhiều thời gian hơn cho các công việc tính vào GDP không được trả lương. Do đó, phụ nữ có ít thời gian cho những công việc có lương hoặc nghỉ ngơi.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ dành trung bình 4,5 giờ/ ngày cho công việc chăm sóc không lương, 32 giờ/tuần, 207 ngày/ năm. Như vậy, mỗi năm mỗi phụ nữ mất gần 7 tháng cho các công việc chăm sóc không lương. Nếu công việc này được trả theo mức lương tối thiểu, phụ nữ có thể kiếm được 2,56 triệu đồng/tháng và hơn 30 triệu đồng mỗi năm.

Xét theo khía cạnh quốc gia, khối lượng công việc chăm sóc không lương của phụ nữ đóng góp là rất lớn. Căn cứ vào số lao động nữ trong độ tuổi lao động của Việt Nam (32, 89 triệu phụ nữ) trên toàn quốc, phụ nữ đóng góp cho nền kinh tế đạt 996 nghìn tỉ đồng mỗi năm từ khối lượng công việc chăm sóc không lương mà họ làm hàng ngày. Số tiền này nhiều gấp 30 lần số tiền Chính phủ đã chi cho giáo dục mầm non năm 2013 ( 30, 24 nghìn tỉ đồng). Lấy một ví dụ khác, nếu chi phí xây dựng trường là 100 triệu đồng thì phần đóng góp công việc không lương của phụ nữ tương đương với việc xây dựng 9.960.000 trường học.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều đáng nói là phần lớn sự đóng góp này của phụ nữ lại không nhận được sự ghi nhận hay chia sẻ từ chồng, con trai và các thành viên các trong gia đình cũng như cộng đồng. Cũng theo khảo sát, với những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn vẫn không giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không lương. 

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc san sẻ, tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng chăm sóc không lương với phụ nữ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, của cộng đồng và chính quyền các cấp. Những kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới.

nld.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video