Mối tình VN của một nhà khoa học lớn người Pháp

21/11/2005
Hàng ngày, bà con ở vùng Bưởi, ven hồ Tây (Hà Nội) thường thấy một "ông Tây" to béo lọc xọc đạp xe đi làm. Ông có gương mặt phúc hậu, ánh mắt, nụ cười thật hiền…

Ít ai biết "ông Tây" ấy là một nhà khoa học lớn của nước Pháp, từng là ứng viên giải thưởng Nobel vật lý, ông tình nguyện sang đây làm việc, vì ông yêu Việt Nam và vì ông là… chàng rể Việt.

 

"Nghiêng ngả vì em"

 

Nguyễn Thị Nga là biên tập viên tiếng Pháp, thuộc Ban Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam. Rảnh rỗi chị làm thêm công việc của hướng dẫn viên du lịch. Thành thạo ngoại ngữ, vui vẻ, duyên dáng, với nghề tay trái ấy thật hợp với chị.

 

Chị đâu biết trong một năm làm du lịch đã có một ông khách Pháp luôn để ý tới chị. Người đàn bà tuổi bốn mươi nụ cười tươi thường nở trên môi, song đôi khi vẫn không giấu được những giây phút buồn trên gương mặt khả ái.

 

Sau vài lần gặp nhau, trao đổi chuyện trò, chị lờ mờ hiểu rằng ông khách đến từ trời Tây xa xôi kia cũng có một hoàn cảnh đời tư éo le. Rạn nứt hạnh phúc trong quá khứ dẫn tới cuộc chia tay là không tránh khỏi, dẫu họ đều đã cố gắng hàn gắn mà gương vỡ chẳng thể lành.

 

"Ông già" - ban đầu chị vẫn gọi như vậy - năm nào cũng sang và chị vẫn xử sự với ông như với bao ông "Tây ba lô" khác: lịch sự, chừng mực. Rồi số lần đi du lịch của "ông già" tăng lên một cách… "đáng ngờ"!

 

Ông sang Việt Nam có năm tới hai, ba lần và đều tìm đến tour do chị hướng dẫn. Thoáng chút ngỡ ngàng, bối rối khi cảm thấy ở nhau sự khác lạ trong mỗi lời nói, cử chỉ, ánh mắt. Rồi sau những "phút xao lòng", chị tự chủ được ngay.

 

Chị đã từng đau khổ, mất mát, vả lại không còn trẻ nữa. Chị biết ông là giáo sư, một nhà khoa học có tên tuổi. Nhưng điều ấy chẳng có nghĩa lý gì khi phải "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước…". Ông thì chưa bao giờ tỏ ra mình là khoa học gia tầm cỡ, một chính khách.

 

Ăn mặc xuềnh xoàng, lời nói, cử chỉ gần gũi, vui vẻ, ông giống một người nông dân hơn. Rồi chị chợt nhận ra trong con người giản dị, khiêm nhường này có một trái tim thật trẻ trung, lãng mạn. Trong thư tỏ tình, ông đắm đuối, chân thành ngỡ như yêu lần đầu.

 

Khi ông về nước, làm việc ở Thụy Sĩ, chị liên tục nhận được thư, vẫn là những lời tâm tình không chút gì là giả tạo, sáo rỗng. Trái tim cô đơn của chị đã được sưởi ấm phần nào… "Ngày… tháng 11/1998. Nga, tình yêu mãi mãi của anh" - Một trong những lá thư của ông -"Anh vừa về đến Geneve là bổ ngay vào phòng làm việc xem có thư từ Việt Nam không? Không có. Em có tưởng tượng được là anh buồn đến thế nào. Anh luôn nghĩ về em, mỗi thời khắc trôi qua dường như là vô ích nếu không dành để nghĩ về em. Đây quả là lần đầu tiên trong đời, anh có được một tình cảm sâu nặng như vậy…".

 

Thư từ Paris, từ Geneve… bay về Hà Nội nhiều đến nỗi nếu đem cân lên đã nặng tới vài kilôgam. Ngay cả dịp chị sang Pháp công tác vào đầu năm 1998, lúc ông đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân ở Thụy Sĩ, có ngày chị nhận được ba, bốn thư, lá nào cũng bảy, tám trang viết kín cả hai mặt.

 

"Yêu em bao nhiêu người làm thơ", câu thơ đó của Nguyễn Nhược Pháp từ đầu thế kỷ trước viết về nàng công chúa Mỵ Nương, cũng thật đúng với mối tình ở đầu thế kỷ XXI này, ông đã làm rất nhiều thơ tặng chị.

 

Bài "Nga" khá dài, có đoạn mở đầu (bằng tiếng Pháp, dịch ý): Mỗi lời em thốt ra như tiếng hát/ Mỗi bước chân em thanh thoát như điệu múa/ Để anh nhìn theo run rẩy/ Cảm nhận được từng nhịp đập trái tim em…

 

Về sau khi hai người đã kết hôn, ông tập hợp 40 bài thơ tặng Nga như thế vào một tập, lấy tự đề Nghiêng ngả vì em và gửi về cho một người bạn ở Bỉ nhờ xuất bản.

 

Cuối cùng thì chị đã bị chinh phục. Chị đưa ông về quê ở Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương để giới thiệu với cha mẹ, họ hàng. Bà con chòm xóm náo nức sang chúc mừng, cũng là để xem mặt chàng rể Tây đầu tiên của làng.

 

Với cha chị, Đại tá Nguyễn Xà Liễn, nguyên là Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, đã nghỉ hưu, làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương, thì những băn khoăn, lo lắng ban đầu cũng chóng qua, tâm hồn chân thành giản dị của người lính và của người làm khoa học đã làm họ sớm hiểu nhau.

 

Siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ

 

"Ông Tây" chàng rể ấy tên là Pierre Darriulat. Trước khi sang Việt Nam, ông là Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), một trong những trung tâm khoa học nổi tiếng nhất thế giới.

 

Muốn biết tầm cỡ khoa học của ông, bạn chỉ cần vào Internet: "The Challenger of the Universe", địa chỉ http: //195.200.108. 47/ Universe/cast.htm, ông có tên trong top "13 siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ".

 

Có thể nêu tên vài siêu sao trong số đó: S.Hawking, người đề ra lý thuyết bức xạ của Lỗ đen, hiện đang ngồi ở cái ghế vinh dự mà nhà bác học vĩ đại I.Newton đã từng ngồi tại Đại học Cambridge (Anh) và cuốn sách phổ biến khoa học nổi tiếng của ông Lược sử thời gian đã được dịch sang tiếng Việt rất được ưa chuộng; S.Weinberg đoạt giải Nobel 1979 với lý thuyết thống nhất điện yếu; J.Schwarj, Giáo sư ở Caltech (Mỹ), một trong những tác giả của lý thuyết siêu dây, một lý thuyết đang được kỳ vọng là chìa khóa mở ra thuyết Đại thống nhất vũ trụ; D.Gross, Nobel 2004, tác giả lý thuyết tiệm cận tự do; J.Bell, tác giả bất đẳng thức Bell, làm sáng tỏ nhiều điểm sâu sắc trong cơ học lượng tử…

 

P. Darriulat sinh năm 1938 tại Pháp, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, rồi ông bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học về vật lý hạt cơ bản tại Đại học Berkeley Mỹ. Từ năm 1967 liên tục làm việc tại CERN, ông lãnh đạo một số đề án nghiên cứu lớn, trong đó có đề án UA2 tìm các hạt dẫn xuất tương tác yếu W và Z theo lý thuyết thống nhất điện-yếu; là đồng tác giả phát minh ra các hạt W và Z năm 1982-1983.

 

Giới khoa học đã biết ở CERN có hai nhóm do ông và C.Rubbia (Giám đốc CERN) đứng đầu, đều nỗ lực trong nhiều năm để tìm ra các hạt trên. Song, do bản tính thận trọng và khiêm nhường, đã có kết quả mà ông chưa công bố, rốt cuộc nhóm kia công bố trước và họ đã đoạt giải Nobel vật lý năm 1984.

 

Dù chưa đoạt giải Nobel (đáng lẽ phải có), ông đã được Chính phủ Pháp tặng giải thưởng quốc gia và Bội tinh hiệp sĩ; là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp; giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, Anh…

 

Sau khi trở thành rể Việt, P. Darriulat đã có một quyết định làm nhiều người bất ngờ: từ bỏ mọi chức vụ, lời mời cộng tác, về hưu và sang ở hẳn quê vợ. Gia tài ông mang theo là một tủ lớn tài liệu, sách chuyên môn, cùng thiết bị dùng cho một phòng thí nghiệm nghiên cứu tia vũ trụ.

 

VATLY Việt Nam

 

Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (KHKTHN) nằm trên đường Hoàng Quốc Việt thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Viện trưởng cho biết: Từ giữa năm 2001 tại đây đã đưa vào hoạt động một phòng thí nghiệm đầu tiên ở Việt Nam về tia vũ trụ mang tên Vietnam-Auger gọi tắt là VATLY.

 

P. Darriulat trở thành cố vấn khoa học của Viện KHKTHN Việt Nam, một danh hiệu chỉ để gọi chứ không có lương bổng, vả lại đó cũng chính là ý nguyện của P. Darriulat khi sang đây. VATLY ra đời với toàn bộ thiết bị do P. Darriulat đã có nhiều chuyến trở về cơ quan cũ ở Thụy Sĩ vận động, xin từng loại vật tư, linh kiện rồi lắp ráp ở Việt Nam.

 

Để hiểu tầm quan trọng của VATLY, cần nói thêm đôi điều về một dự án toàn cầu sẽ còn kéo dài 15-20 năm có tên là Pierre Auger, 20 nước là thành viên, trong đó có Việt Nam.

 

Từ đầu thế kỷ trước người ta đã biết là trên mỗi diện tích của bề mặt trái đất đều luôn bị "bắn phá" bởi các tia vũ trụ. Song, suốt gần một trăm năm qua, người ta vẫn chưa tìm được nguồn gốc sinh ra, cơ chế, hướng tới… của các tia đó.

 

Và đây hoàn toàn có thể là một "cửa mở" quan trọng để khám phá vũ trụ. Dự án Pierre Auger ra đời năm 1998 do nhà khoa học người Mỹ giải thưởng Nobel vật lý Jim Cronin khởi xướng; trực tiếp điều hành dự án là Giáo sư A.Watson, Viện sĩ Hoàng gia Anh, chuyên gia hàng đầu về vật lý tia vũ trụ năng lượng cao.

 

Từ năm 1999, dự án đã được tiến hành tại Nam bán cầu trên lãnh thổ Argentina, người ta dự định lắp đặt tổng cộng 1.600 trạm tiếp nhận tia vũ trụ. Nhờ có VATLY, Việt Nam thực sự tham gia dự án và đã cử người sang Argentina tham gia lắp đặt được 6 trạm, có một trạm mang tên VATLY để ghi nhận sự đóng góp của Việt Nam.

 

Trưởng nhóm VATLY Đặng Quang Thiệu, đang làm luận văn tiến sĩ dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Tiến sĩ Võ Văn Thuận cho biết, những năm qua, nhóm nghiên cứu của anh đã thu được một số kết quả rất đáng khích lệ, vai trò đóng góp của cố vấn khoa học P. Darriulat có ý nghĩa to lớn.

 

 Những chàng trai, cô gái của nhóm đều còn rất trẻ, họ thường nhắc đến "bác Pierre" với sự trân trọng, trìu mến. Họ cho biết ngày ngày bác đến Viện hoặc đến Trường Đại học Khoa học tự nhiên để giảng về vật lý thiên văn đều bằng xe đạp. Bác ấy không thích đi ôtô, bảo đạp xe thế còn là một cách tập thể thao…

 

Để kết thúc bài viết, xin được nhắc lại một đoạn trong bài đăng trên Báo Tia sáng số ra gần đây, của Giáo sư Cao Chi, một nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của nước ta: "Chắc có ngày bạn sẽ gặp ông P. Darriulat nếu bạn muốn. Bạn sẽ cảm nhận được một nhân cách lớn, một tài năng lớn song hành với một cuộc đời giản dị. Nhưng chính cuộc đời giản dị đó đã đem lại bao nhiêu điều lợi ích thực tế cho những cuộc đời khác và cho cả nền vật lý Việt Nam".

Theo Công an nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video