Môi trường xanh, sạch, đẹp - nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

11/01/2020
Môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sống còn của con người, mà còn là một vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Những con đường hoa đẹp tạo nên hình ảnh môi trường xanh, sạch, đẹp trong việc xây dựng NTM ở Quảng Xương (Thanh Hóa).

Phát huy giá trị vật chất cũng như tinh thần từ kết quả của các phong trào “xây dựng làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”,... ngày nay Đảng, Nhà nước ta phát động phong trào “xây dựng nông thôn mới”, một việc làm hợp lòng dân, được nhân dân hưởng ứng làm theo một cách tự giác đã góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn, nông nghiệp, nông dân,... Tuy nhiên, hiện nay vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm bẩn đang là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, sức khỏe của con người, đặt ra yêu cầu cực kỳ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta.

Nhận thức đúng yếu tố đời sống an sinh trong mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường vệ sinh sức khỏe

Trong mấy năm qua, nhiều địa phương khi xây dựng nông thôn mới chỉ chú trọng đến cơ sở vật chất như đường sá, nhà cửa, phát triển kinh tế, thu nhập cá nhân, hộ gia đình, tăng năng suất lao động,... mà không quan tâm một cách đúng mức về môi trường vệ sinh sức khỏe, một đòn bẩy tất yếu tiên quyết để phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Thực tế đã cho thấy nhiều địa phương, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh công nghiệp, thủ công nghiệp từ làng nghề truyền thống do việc vô thức, vì ham lợi đã thải ra sông suối, kênh rạch, đường sá hằng tấn rác bẩn, hằng tỷ khối nước thải độc hại gây nên ô nhiễm nghiêm trọng, hủy hoại môi trường, gây bất bình trong nhân dân. Do việc nhận thức không đúng về hệ quả của mối quan hệ giữa kinh tế và vệ sinh môi trường, sức khỏe, khí thải bẩn, thực phẩm bẩn, nguồn nước bẩn đã làm cho quá trình xây dựng nông thôn mới chậm lại thậm chí có nơi nguy cơ đi vào “ngõ cụt” không lối thoát, vì vậy phải có nhận thức đúng và hành động quyết liệt của chúng ta!

Trách nhiệm tự giác bảo vệ môi trường của mỗi người dân

Không ai khác, chủ thể làm sạch môi trường là con người. Thiên nhiên ban tặng cho loài người không khí sạch, nước sạch, động thực vật sạch,... song vì sao nó lại bẩn, độc hại?

Chủ trương xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc, bước đầu có chuyển biến mạnh mẽ, nông nghiệp, nông dân có nhiều khởi sắc, diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, năng suất lao động được nâng lên mà chủ yếu là cây lương thực, rau màu, gia súc, gia cầm. Song vì lợi nhuận mà một bộ phận người dân thờ ơ, vô cảm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng, coi thường luật pháp, cố ý làm trái đã dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích quá liều cho phép nên người tiêu dùng bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo gây hậu quả khôn lường. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện bị phong hóa, mưa dầm, xe quá tải cày xéo ngày đêm, gây ra đất bụi mất vệ sinh cho người đi đường và các hộ sống lân cận. Mặc dù Nhà nước đã có chế tài ngăn ngừa chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát bừa bãi ở các tuyến sông làm cho nguồn nước không những nhiễm bẩn mà còn hủy hoại nhà cửa, môi trường sống của dân.

Nói không với bệnh thành tích về chỉ tiêu vệ sinh môi trường

Chúng ta không thể không tôn vinh những địa phương những cá nhân thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong đó có môi trường, song không thể không phê phán những địa phương những cá nhân phản ảnh sai sự thật để có thành tích hoàn thành các chỉ tiêu. Trong thực tế hiện nay, bệnh thành tích không phải là phổ biến nhưng điều này đã bộc lộ nguyên nhân xây dựng nông thôn mới không bền vững ở một số địa phương. Môi trường bẩn là một vấn đề hết sức nhạy cảm vừa mang ý nghĩa sống còn về sức khỏe trực tiếp, vừa có ý tiềm ẩn hủy hoại cuộc sống của cả cộng đồng, suy giảm về kinh tế, văn minh xã hội. Vì vậy muốn có lợi ích từ môi trường, mỗi người dân phải ứng xử rất công bằng khách quan mang ý nghĩa tích cực, phản ảnh và hành động trung thực với môi trường để cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống thiết thực hơn.

Cần có những biện pháp hữu hiệu, mạnh mẽ để hướng tới môi trường sạch

Trong nhiều ngày qua, truyền thông đưa tin Thủ tướng Ấn Độ xuống đường cùng nhân dân thu gom và phân loại rác thải. Nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,... họ đặt vấn đề môi trường là một yếu tố quan trọng của nguồn sống con người để sản sinh ra sức sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi trọng môi trường thông qua nhiều hoạt động xã hội, chế tài để phục vụ an sinh đất nước. Ở những nơi công cộng, trường học, bệnh xá, bệnh viện, ghế đợi xe bus, xí nghiệp, nhiều địa phương, bản, phố, xã, thôn, ấp trong nước người dân tự giác viết khẩu hiệu, tờ rơi nói rõ tác hại của ma túy, thuốc lá và khuyến  cáo mọi người hãy nói không với thứ độc hại. Cách làm đó đang có sức giáo dục hấp dẫn, lan tỏa rất cao, nhất là trong giới thanh thiếu niên.

Từ những việc làm phong phú, đa dạng ấy, nhiều địa phương lại có cách làm hay khác nhau như ở vùng quê Thái Bình bà con trong thôn, xóm trồng hoa bên đường làng không những làm đẹp cảnh quan văn minh đường làng mà còn để khuyến cáo mọi người thôn, xã không được đổ rác thải ra ngoài đường bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương trong nước đã có thói quen phân loại rác thải đồ nhựa, ni lông thành gói riêng, loại hữu cơ như lá rau, vỏ củ, quả, thức ăn thừa, những nơi có đất trồng trọt thì dùng bón cho cây hoặc đưa đi phân hủy theo quy hoạch.

Nhiều địa phương ở các tỉnh thành nhất là các xã, bản ở gần trạm xá, bệnh viện, chợ quê, nơi chế biến bánh kẹo, thực phẩm gia cầm, gia súc, cổng nước thải công nghiệp, những địa phương này đã thành lập tổ chuyên trách kiểm tra vệ sinh môi trường và có chế tài hoạt động cụ thể phản ảnh kịp thời những hành vi sai trái của những ai ứng xử với môi trường không đúng quy định của Nhà nước. Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thường xuyên phát động phong trào vì môi trường sạch, trong đó chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe của mọi gia đình trong cộng đồng. Nhiều gia đình trong thành phố, chị em phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các khâu gieo trồng không dùng thuốc trừ sâu, kích thích hoặc không dùng những loại hóa chất có hại, không lưu hành, buôn bán những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc,... Đó là phản ảnh hiệu quả một trong nhiều biện pháp có sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương để giải quyết vấn đề môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Có thể nói trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng chưa bao giờ người dân lại quan tâm đến môi trường như bây giờ, có lẽ họ thấy làm tốt môi trường sẽ đem lại nguồn hạnh phúc, ấm no cho chính họ, gia đình và xã hội. Muốn lấp được “lỗ thủng” về môi trường trước hết người đứng đầu ở các cơ quan, ban, ngành, Đảng, chính quyền, địa phương phải gương mẫu làm trước và cùng với dân hành động làm sạch môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Ngoài những biện pháp hành động cụ thể trực quan, công tác tuyên truyền giáo dục đều khắp và thường xuyên trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về công tác môi trường là biện pháp tiên quyết. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh, thưởng, phạt nghiêm minh khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích làm tốt môi trường sạch và đấu tranh không khoan nhượng với những ai cố tình làm môi trường bẩn với mọi hình thức để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành động lực phát triển xã hội, góp phần đưa hành tinh của chúng ta mãi mãi trong lành và tươi đẹp hơn.

https://vanhoadoisong.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video