Một cựu chiến binh đưa nghề về làng giúp nhiều người thoát nghèo

21/08/2006
Bị liệt 2 chân, suốt ngày chỉ lê lết quanh quẩn trong nhà, chị Nguyễn Thị Mười ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cứ ngỡ cuộc đời mình đã hoàn toàn bế tắc.

Nhưng hiện nay, với nghề mây giang đan, chị Mười đã có mức thu nhập 800.000 đồng/tháng. Chị chỉ là một trong hơn 6.000 người nông dân nghèo ở xã gò đồi cằn cỗi Liệp Tuyết, đã được cựu chiến binh Nguyễn Hữu Trọng truyền nghề, tạo việc làm, giúp thoát nghèo. Hành trình đi học nghề, rồi vượt qua bao gian nan để giữ lấy nghề, tạo việc làm cho bà con, đã khiến nhiều người hết lòng cảm phục ông Trọng. Năm 1976, sau khi phục viên, ông trở về quê hương sinh sống, dù mang trong mình di chứng chất độc da cam, khiến 2 người con sinh ra bị tàn tật, đau yếu quanh năm, ông vẫn cố gắng khắc phục hoàn cảnh , tích cực tham gia công tác xã hội với cương vị là Bí thư chi bộ thôn, rồi Chủ tịch Hội Nông dân.

 

Liệp Tuyết quê ông vốn là xã thuần nông, nhưng là đất đồi gò nên năng suất canh tác không cao. Năm 1985, dù đã “ngấp nghé” bước vào tuổi 50, ông Trọng vẫn quyết tâm khăn gói, lên đường “tầm sư học nghề” mây giang đan. Học được nghề, ông lại bỏ tiền túi ra mua nguyên liệu để về mở lớp dạy nghề cho bà con trong xã. Nhờ vậy, nghề mây giang đan ở Liệp Tuyết đã phát triển dần, đến năm 1990 thì có Hợp tác xã mây tre đan mà ông Trọng là một trong những người đầu tiên tham gia Ban quản trị. Hợp tác xã đang “ăn nên làm ra” thì thị trường Đông Âu biến động lớn, hợp tác xã phải giải thể. Xã viên lại trở về với mùa vụ năng suất bấp bênh. Ông Trọng với tư cách là thành viên Ban quản trị HTX, cũng bị khách hàng “xù nợ”, nợ nần chồng chất.

 

Với phẩm chất vững vàng của người lính từng vào sinh ra tử, ông Trọng không dễ dàng đầu hàng. Động viên vợ cùng cậu con cả ở nhà chăm sóc 2 đứa em tàn tật, ông lại một lần nữa lặng lẽ đi tìm bạn hàng, nghiên cứu thị hiếu khách hàng và trở về mày mò, cải tiến mẫu mã từng mặt hàng. Kiên trì khôi phục lại nghề, mở hướng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng và uy tín phục vụ, dần dần ông Trọng đã thành công. Trong 5 năm từ 2000-2005, ông Trọng đã mở hàng loạt lớp truyền dạy nghề miễn phí cho hơn 6.000 người thuộc diện khó khăn, tàn tật, có mức sống dưới trung bình ở Liệp Tuyết. Sau khi học thành nghề, họ được ông Trọng nhận vào làm tại tổ hợp sản xuất của gia đình hoặc lấy nguyên liệu về nhà làm, với mức lương ổn định từ 500.000- 1 triệu đồng/người/tháng.

 

Năng động, lại có tâm trong sáng, mang hết khả năng của mình để dạy nghề, giúp người nghèo khó ổn định đời sống, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Trọng đã nhiều lần được nhận Bằng khen của Hội Cựu chiến binh và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tây.

Theo báo Bộ LĐXH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video